Hướng dẫn hạch toán nguồn cải cách tiền lương theo thông tư 107/2017/TT-BTC.
18/10/2018
Hướng dẫn hạch toán nguồn cải cách tiền lương theo thông tư 107/2017/TT-BTC.
Thông tư số 107/2017/TT-BTC (Thông tư 107) do Bộ Tài chính ban hành ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp, thay thế Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 của Bộ Tài chính (Quyết định 19) và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính (Thông tư 185) đã quy định nhiều thay đổi (Link bài viết thay đổi TT107) trong công tác kế toán tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị).
Theo Quyết định 19 và Thông tư 185, nguồn cải cách tiền lương chưa theo dõi riêng và được hạch toán chung vào vào Tài khoản 461 - Nguồn kinh phí hoạt động. Cụ thể, nguồn cải cách tiền lương hình thành từ số thu được để lại theo quy định được kết chuyển từ Tài khoản 511 - Các khoản thu sang Tài khoản 461; nguồn cải cách tiền lương do Ngân sách nhà nước cấp bổ sung được hạch toán trực tiếp vào Tài khoản 461. Để phục vụ công tác theo dõi nguồn và sử dụng nguồn cải cách tiền lương tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thông tư 107 đã bổ sung thêm Tài khoản 468 - Nguồn cải cách tiền lương.
Bài viết này giới thiệu những điểm mới và hướng dẫn phương pháp hạch toán nguồn cải cách tiền lương phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Thông tư 107, cụ thể:
Thứ nhất, về tài khoản sử dụng:
- Tài khoản 468 – Nguồn cải cách tiền lương: Sử dụng tài khoản này để phản ánh nguồn và sử dụng nguồn cải cách tiền lương.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 468:
Bên Nợ: Nguồn cải cách tiền lương giảm.
Bên Có: Nguồn cải cách tiền lương tăng.
Số dư bên Có: Nguồn cải cách tiền lương hiện còn.
- Các tài khoản khác có liên quan như: Tài khoản 334 – Phải trả người lao động; Tài khoản 421 – Thặng dư (thâm hụt) lũy kế; Tài khoản 611 – Chi phí hoạt động;…
Thứ hai, về nguyên tắc hạch toán:
- Tài khoản 468 phản ánh số hiện có và tình hình biến động của nguồn cải cách tiền lương
- Nguồn cải cách tiền lương phải được tính, trích và sử dụng theo quy định hiện hành (Chi tiết quy định về việc tạo lập nguồn cải cách tiền lương năm 2018 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tại đây).
- Các khoản chi từ nguồn cải cách tiền lương hạch toán tương tự chi phí tiền lương của hoạt động chính của đơn vị.
- Nguồn cải cách tiền lương cuối năm còn dư được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng hoặc được sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: chi đầu tư, mua sắm, hoạt động khác theo quy định của cơ chế tài chính).
Thứ ba, phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu:
1. Khi phát sinh chi phí cải cách tiền lương, ghi:
Nợ TK 611,…
Có TK 334 - Phải trả người lao động
2. Thanh toán tiền lương cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có TK 111 - Tiền mặt (Trường hợp chi bằng tiền mặt)
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng, Kho bạc (Trường hợp chi từ tài khoản tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc)
3. Trường hợp nguồn thu dành để cải cách tiền lương còn dư lớn, đơn vị được sử dụng để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động khác theo quy định của cơ chế tài chính, ghi :
Nợ TK 241, 611,…
Có TK 111 - Tiền mặt (Trường hợp chi bằng tiền mặt)
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng, Kho bạc (Trường hợp chi từ tài khoản tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc)
4. Khi trích lập nguồn cải cách tiền lương trước khi phân phối thặng dư (thâm hụt) theo quy định của cơ chế tài chính, ghi:
Nợ TK 421 - Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
Có TK 468 - Nguồn cải cách tiền lương
5. Cuối năm, đơn vị kết chuyển số đã chi từ nguồn cải cách tiền lương trong năm, ghi:
Nợ TK 468 - Nguồn cải cách tiền lương
Có TK 421 - Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
6. Cuối năm, kinh phí cải cách tiền lương còn dư được thể hiện tại số dư bên Có Tài khoản 468 và được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng hoặc được sử dụng vào mục đích khác theo quy định của cơ chế tài chính hiện hành.
Trên đây là nội dung hướng dẫn phương pháp hạch toán nguồn và sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo Thông tư 107. Mong rằng bài viết sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho cán bộ kế toán trong công tác hạch toán nguồn cải cách tiền lương tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- VCSVIETNAM-