HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật Kế toán: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để quản lý hiệu quả

Đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật Kế toán: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để quản lý hiệu quả

09/12/2024

Với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán, tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sả công; Luật Quản lý thuế; Luật Dữ trữ Quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật), Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh. Các nhiệm vụ này đảm bảo rõ ràng, không chồng lấn, trùng lắp trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện

Phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến cơ sở

Bộ Tài chính cho biết, Luật Kế toán 2015 chỉ quy định nội dung quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và giao các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước. Quy định này dẫn đến cách hiểu là các bộ, ngành, địa phương không có nhiệm vụ quản lý nhà nước mà chỉ có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính. Do không xác định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác kế toán nên đã dẫn đến lúng túng trong thực hiện.

Cùng với đó, hiện nay, số lượng đơn vị kế toán là rất lớn, phân bổ rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chỉ tập trung ở một cơ quan (Bộ Tài chính) sẽ không đảm bảo tính khả thi vì không đủ nguồn lực. Do đó, cần thiết phải phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, tại Dự án 1 luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, Điều 71 thành:

“3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách:

a)Tổ chức thực hiện công tác kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán cho các đơn vị kế toán thuộc phạm vi quản lý;

b)Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị kế toán thuộc phạm vi quản lý.

“4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán thuộc phạm vi quản lý tại địa phương:

a)Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán thuộc phạm vi quản lý tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán;

b)Tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán thuộc phạm vi quản lý tại địa phương theo quy định của pháp luật;

c)Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực kế toán thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.”

Cũng theo Bộ Tài chính, các quy định như Dự thảo Luật không thu hẹp mà làm rõ hơn nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kế toán tại các cấp, các ngành, các địa phương. Chính phủ đã rà soát quy định đầy đủ các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, đây là các nội dung chỉ có Bộ, ngành, địa phương mới có thể trực tiếp thực hiện.

Riêng về công tác thanh tra, Luật Thanh tra đã đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Tuy nhiên, quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 71 Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi không phải là giao thẩm quyền thực hiện thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính cho bộ, ngành, địa phương mà quy định rõ hơn trách nhiệm hoạt động thanh tra về kế toán khi tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra theo ngành, lĩnh vực được giao phụ trách, đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai hoạt động kế toán tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các quy định này không thu hẹp mà làm rõ hơn nhiệm vụ của các đơn vị nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kế toán.

Với đề xuất sửa đổi, bổ sung như Dự thảo Luật, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về kế toán của Bộ Tài chính sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành về kế toán gửi Thanh tra Bộ Tài chính để thống nhất kế hoạch hàng năm. Căn cứ kế hoạch thanh tra chuyên ngành hàng năm đã được phê duyệt, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về kế toán sẽ thông báo cho các bộ, ngành địa phương biết để tránh chồng chéo trong xây dựng kế hoạch và phối hợp trong tổ chức thực hiện. Quy trình này đảm bảo hoạt động thanh tra được bao quát hết các đơn vị kế toán từ trung ương đến địa phương (hàng trăm nghìn đơn vị kế toán), đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, tăng cường tính hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước.

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước

Cũng tại Dự án Luật, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 71 Luật Kế toán, như sau: “3a. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngoài các quy định tại khoản 3 Điều này, chịu trách nhiệm ban hành Chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ Chuẩn mực kế toán quy định trong Luật này.”

Theo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng theo Luật tổ chức tín dụng, cơ quan giám sát các quy trình nghiệp vụ đặc thù của hoạt động ngân hàng nhưng lại không được giao nhiệm vụ ban hành Chế độ kế toán áp dụng cho tổ chức tín dụng. Điều này dẫn đến khó khăn trong quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước và tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý, điều hành, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng. Các giao dịch hàng ngày của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy trình do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, các quy định nghiệp vụ được thiết lập trên các hệ thống ERP, COR-Banking của các ngân hàng đều liên quan chặt chẽ và tác động đến kế toán. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền ban hành Chế độ kế toán cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý thì sẽ không thể bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý của lĩnh vực ngân hàng.

Thêm vào đó, hiện nay, các tổ chức tín dụng phản ánh có nhiều vướng mắc cần có sự hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước liên quan đến chữ ký, mẫu chứng từ, lưu chuyển chứng từ, quy trình thanh toán, các bút toán nghiệp vụ… trên các hệ thống ứng dụng. Nhưng do Ngân hàng Nhà nước chưa được giao việc hướng dẫn chế độ kế toán cho các tổ chức tín dụng, nên các khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, làm tăng chi phí, thời gian tuân thủ của các tổ chức tín dụng.

Hiện nay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang thực hiện Chế độ kế toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành theo Quyết định số 479/QĐ-NHNN ngày 29/4/2024 và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007. Từ sau Luật Kế toán năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 27/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 479/QĐ-NHNN nhưng cũng chưa sửa đổi một cách căn bản đối với Quyết định số 479/QĐ-NHNN. Việc quy định Ngân hàng Nhà nước ban hành chế độ kế toán tại Luật sẽ là căn cứ pháp lý cao nhất để Ngân hàng Nhà nước ban hành đầy đủ các văn bản phù hợp với đặc điểm hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hơn nữa, việc bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành chế độ kế toán áp dụng cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với chủ trương phân cấp hiện nay của Đảng và Nhà nước. Việc ban hành chế độ kế toán của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, hạn chế rủi ro là công việc cần thiết.

Nguồn: Mof.gov.vn