HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Bộ Tài chính lấy ý kiến chính sách tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc

Bộ Tài chính lấy ý kiến chính sách tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc

21/05/2025

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (thay thế Nghị định số 152/2017/NĐ-CP) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến với nhiều đề xuất mới, qua đó góp phần đảm bảo việc sử dụng các trụ sở được công bằng, công khai, minh bạch.

Cần thiết phải sửa đổi

Theo đánh giá từ các bộ, ngành, địa phương, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2017/NĐ-CP đã tạo lập hành lang pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn định, mức sử dụng tài sản công, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, dự toán, giao, đầu tư xây dựng mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Những quy định tại Nghị định cũng là cơ sở để đánh giá tiết kiệm, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công; đảm bảo việc sử dụng trụ sở được công bằng, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, Nghị định số 152/2017/NĐ-CP được ban hành từ năm 2017 và đến nay đã có nhiều thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong định hướng xây dựng chính sách cũng như trong thực tế tại các cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, Luật số 56/2024/QH15 đã sửa đổi một số nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2025), do vậy cần thiết sửa đổi quy định liên quan tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP cho phù hợp (như: về đối tượng áp dụng, quy định về phân cấp).

Quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc trong thực tế (hiện nay mới có 1 nội dung bãi bỏ khoản 5, Điều 12, Nghị định số 152/2017/NĐ-CP đã được quy định tại Nghị định số 114/2024/NĐ-CP); đặc biệt khi thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước thì cần phải có quy định về nguyên tắc xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cũ hoặc hiện có đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, tận dụng tối đa trụ sở hiện có.

Từ cơ sở nêu trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (thay thế Nghị định số 152/2017/NĐ-CP) là cần thiết và có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Được phép điều hòa diện tích làm việc của các chức danh

Dự thảo cơ bản kế thừa quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Bổ sung nguyên tắc cho phép điều hòa diện tích làm việc của các chức danh và giao thẩm quyền cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định bố trí diện tích làm việc cụ thể cho các chức danh bảo đảm tổng diện tích bố trí cho các chức danh không vượt quá tổng diện tích làm việc được xác định theo quy định để Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được chủ động bố trí phù hợp thực tế do một số trường hợp không thể bố trí chính xác diện tích cho từng chức danh, phòng làm việc chức danh (như: yêu cầu thiết kế, bố trí sử dụng khi tiếp nhận các trụ sở cũ, bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng trong cùng một trụ sở hoặc nhu cầu sử dụng thực tế,...).

Bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có thực hiện giao, điều chuyển hoặc xử lý sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động tại khoản 6, Điều 3, dự thảo Nghị định như sau: “Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có thực hiện giao, điều chuyển hoặc xử lý sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động”.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp được quản lý, sử dụng đối với phần diện tích theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định này. Đối với phần diện tích dôi dư (nếu có) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ quản của cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận) xem xét, xử lý phần diện tích dôi dư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo hình thức: giao, điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác quản lý, sử dụng; giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác (đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý) và hình thức khác phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; trong thời gian cơ quan, người có thẩm quyền chưa xử lý thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm quản lý, bảo quản, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng đối với phần diện tích này”.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết; nguyên tắc xác định chức danh, chức vụ tương đương để áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc bảo đảm phù hợp với Kết luận số 35-KL/TW và quy định nguyên tắc để bao quát thực tế phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.

Về diện tích làm việc của các chức danh: Dự thảo đề xuất điều chỉnh tăng thêm diện tích làm việc tối đa của các chức danh so với quy định tại Nghị định 152/2017/NĐ-CP; đồng thời bổ sung và điều chỉnh nhóm các chức danh cho phù hợp với Kết luận 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở

Về diện tích sử dụng chung, dự thảo Nghị định quy định theo hướng liệt kê diện tích sử dụng phục vụ hoạt động chung trong trụ sở làm việc của cơ quan tổ chức, đơn vị, đồng thời giao cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, bố trí sử dụng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam quyết định tiêu chuẩn, định mức diện tích sử dụng chung cho từng cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khu đất xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Diện tích sử dụng chung không bao gồm diện tích chiếm chỗ của cột, tường, hộp kỹ thuật, cầu thang và thang máy, sảnh và hành lang, diện tích nhà để xe; các phần diện tích này thực hiện theo theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

Về diện tích công trình sự nghiệp, về cơ bản kế thừa quy định tại Nghị định số 152/NĐ-CP; tuy nhiên để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, dự thảo Nghị định quy định căn cứ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, Ban Thường vụ Thành uỷ, Tỉnh uỷ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý; trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đối với diện tích công trình sự nghiệp khác (ngoài lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo): Căn cứ quy định về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động đặc thù của đơn vị, theo Tiêu chuẩn quốc gia về công sở cơ quan hành chính nhà nước và các quy định khác có liên quan, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, Ban Thường vụ Thành uỷ, Tỉnh uỷ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng cụ thể của từng đơn vị thuộc phạm vi quản lý; trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Nguồn: Mof.gov.vn