Chính sách tài khóa tạo động lực cho tăng trưởng
28/12/2023
Trước bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những tác động của dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế, cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, chính sách tài khóa được thực hiện chủ động, đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng. Các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế, phí cũng như gia hạn thuế và tiền thuê đất...đã và đang phát huy tác dụng. Cùng với đó, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã ưu tiên cho chi đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế
Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã tác động tích cực đến toàn thị trường, kích thích tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tính hết tháng 10/2023, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 163,8 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 106,5 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng). Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 3 nghìn tỷ đồng, theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 khoảng 13,3 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng, theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 khoảng 28,9 nghìn tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng và giảm phí, lệ phí theo Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 khoảng 18 tỷ đồng.
Nhờ các giải pháp hỗ trợ phục hồi, kinh tế Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất, nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại và là điểm sáng, xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD trong 10 tháng, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 9,56 tỷ USD. Cũng nhờ chính sách kích cầu, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, duy trì mức tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.
Cùng với đó, thu NSNN đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 thu NSNN ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán. Một số khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ do thực hiện các chính sách phục hồi, như: Thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 47,6% dự toán, giảm 22,1% so cùng kỳ do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu... các loại phí, lệ phí ước đạt 78,8% dự toán, giảm 13,2% so cùng kỳ do giảm thu lệ phí trước ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và thực hiện chính sách cắt giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Chi NSNN có nhiều điểm tích cực, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội. Thực hiện chi NSNN 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2022; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 55,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 56,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35% (khoảng 104 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi đạt khoảng 77,8% dự toán, tăng 3,3% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 74,5% dự toán, tăng 3,8% so cùng kỳ. Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 6,96 nghìn tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 4 nghìn tỷ đồng cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và 1,88 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các địa phương để phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng...
Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, gồm các chính sách về y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đối với kế hoạch năm 2023, ước đến ngày 30/9/2023, số giải ngân là 49.740 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần kích cầu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/10/2023, đã thực hiện phát hành 264,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 3,3%/năm. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch tiếp tục đánh giá tích cực xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng ở mức BB, triển vọng ổn định; BA2, triển vọng ổn định; BB, triển vọng tích cực). Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, giúp Chính phủ mở thêm các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, vẫn còn một số vấn đề đặt ra đối với tình hình thực hiện NSNN năm 2023. Thu NSNN 10 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ, tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế BVMT, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu) và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù, tổng thể tiến độ thu NSNN đạt khá, tuy nhiên, tiến độ thu NSNN thấp hơn so với cùng kỳ, ước thực hiện 10 tháng đầu năm 2023 bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh nguyên nhân giảm thu do các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho phục hồi kinh tế thì ảnh hưởng từ diễn biến kinh tế thế giới và nội tại nền kinh tế đến hoạt động sản xuất trong nước cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến thu NSNN.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm, làm giảm hiệu quả nguồn lực NSNN. Giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2023 đạt hơn 430.600 tỷ đồng, đạt hơn 52% kế hoạch năm 2023 và đạt gần 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa cao do một số bộ, ngành, địa phương còn giải ngân chậm, do việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại vài dự án mất nhiều thời gian.
Tuy triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới được đánh giá tương đối tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như khả năng hấp thu vốn đầu tư của nền kinh tế thấp, thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ần nhiều rủi ro…Trước những thách thức của nền kinh tế, Việt Nam tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, tăng cường đầu tư và tiêu dùng để duy trì đà tăng trưởng, thực hiện các biện pháp an sinh xã hội cho người dân.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp trong công tác quản lý thu NSNN, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng HĐĐT, hỗ trợ người nộp thuế; tập trung vào công tác quản lý đăng ký, khai thuế, nộp thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, đặc biệt là thu từ hoạt động kinh doanh thương mại, thu từ bất động sản; quản lý chặt chẽ, tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán và dàn trải, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Mof.gov.vn