HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Chính sách tài chính nâng cao năng suất lao động phục vụ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Chính sách tài chính nâng cao năng suất lao động phục vụ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

01/08/2017

Để góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, nhiều cơ chế, chính sách tài chính đã được ban hành, sửa đổi và bổ sung hoàn thiện.

     Hoàn thiện thể chế tài chính - ngân sách

     Trong giai đoạn vừa qua, để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thể chế tài chính tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

     Chính sách động viên ngân sách nhà nước (NSNN) đã được hoàn thiện theo các mục tiêu, định hướng, nhờ đó đã thu hút hiệu quả, động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ xuất - nhập khẩu và các nguồn lực từ tài nguyên, đất đai... Đến nay, việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các luật về thuế, phí, hải quan đã cơ bản được hoàn thành theo lộ trình đề ra và kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả các luật hiện hành theo hướng tăng cường tính minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập, tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao TFP, năng suất lao động, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cơ chế, phương thức quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên đã từng bước được đổi mới, qua đó khai thác tốt nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu ổn định cho NSNN.

     Chính sách phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính tiếp tục được hoàn thiện, gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và nền tài chính quốc gia nói riêng, hướng tới phân bổ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Cơ cấu chi NSNN được đổi mới theo hướng tăng cường đầu tư cho con người. NSNN được chủ động bố trí theo hướng ưu tiên đầu tư thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ tốt hơn cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Tổng chi cho giáo dục đào tạo, KHCN tiếp tục được đảm bảo theo các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước.

     Hệ thống pháp luật về giá và quản lý giá cơ bản được hoàn thiện; điều hành giá tiếp tục được đổi mới theo cơ chế thị trường, phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế. Nhà nước chỉ còn định giá một số ít hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, quan trọng, có ảnh hưởng tới an sinh xã hội, góp phần khắc phục các hạn chế, khuyết tật của cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh về giá theo pháp luật, đưa giá cả hàng hóa, dịch vụ trở thành tín hiệu khách quan đối với các chủ thể trong nền kinh tế, tạo động lực kích thích sản xuất phát triển.

     Cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công tiếp tục được đổi mới theo hướng tập trung vào việc tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công, giảm áp lực chi cho NSNN và cải thiện đời sống cho người lao động qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

     Các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã được ban hành khá đầy đủ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường. Nhờ đó, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được đẩy mạnh; hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao, quản trị doanh nghiệp được đổi mới. Khu vực DNNN tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng KHCN trong sản xuất, nâng cao chất lượng lao động.

     Hệ thống các cơ chế, chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính được tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập. Khuôn khổ pháp lý được hình thành để phát triển hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh, lĩnh vực kế toán, kiểm toán, xổ số, vui chơi có thưởng,…; từng bước ổn định và nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tạo điều kiện giảm dần chi phí huy động trên thị trường vốn quốc tế. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hỗ trợ quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, bao gồm bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng cũng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong việc huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất và nâng cấp công nghệ.

     Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công

     Các cơ chế, chính sách về đầu tư công được hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt nhằm khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực cho đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn đầu tư công (như Luật NSNN 2015; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020...). Đầu tư công được từng bước cơ cấu lại trên cơ sở các ưu tiên chiến lược, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư trên cơ sở ban hành quy định về khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật về kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được tăng cường. Đến nay về cơ bản cơ chế phân bổ vốn đầu tư được đổi mới theo hướng minh bạch hóa, thực hiện cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn, vốn đầu tư được tập trung hơn cho các công trình dự án quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng để phát huy hiệu quả; đầu tư kết cấu hạ tầng đã tăng đáng kể về tỷ trọng, góp phần trong việc thực hiện các mục tiêu như nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư (cải thiện chỉ số ICOR), nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.

     Tái cơ cấu DNNN

     Các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường, thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo sự minh bạch trong công tác quản lý tài chính DNNN, nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu; phân định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Cơ chế, chính sách hỗ trợ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn được hoàn thiện, khắc phục có kết quả những bất cập trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN được cải thiện, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Cơ cấu DNNN đã từng bước được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề cũng như xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ trong sản xuất - kinh doanh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

     Tái cơ cấu TTCK, doanh nghiệp bảo hiểm

     Về cơ bản việc tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm đã được hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra và đạt được những kết quả tích cực, khung khổ pháp lý cho hoạt động tái cấu trúc TTCK được xác lập, tập trung tái cơ cấu 4 trụ cột chính là cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và hệ thống tổ chức TTCK. Đối với thị trường trái phiếu, đã thực hiện tái cơ cấu danh mục trái phiếu chính phủ (TPCP) theo hướng kéo dài kỳ hạn còn lại của danh mục để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cho NSNN, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, tạo môi trường, nền tảng pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.

     Chính sách tài chính thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng

     Các công cụ đầu tư tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã được chủ động rà soát, đa dạng hóa như cơ cấu lại TTCK; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP và trái phiếu doanh nghiệp; chủ động tiếp cận các nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương. Bên cạnh đó, bước đầu hình thành được các cơ chế để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Nhiều chính sách ưu đãi về tài chính (bao gồm ưu đãi về thuế, phí, tiếp cận tín dụng…) và về đất đai đã được xây dựng, tổ chức thực hiện.

     Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính

     Một số chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế và thu NSNN đã góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính đã bảo đảm đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần thúc đẩy các yếu tố thị trường và các loại thị trường tài chính phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho đầu tư và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

     Cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt theo các nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ và đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch của môi trường kinh doanh. Trong lĩnh vực tài chính, chỉ số cải cách hành chính có sự cải thiện rõ rệt; thủ tục hành chính thuế, hải quan được rà soát và đơn giản hóa; rút ngắn số giờ nộp thuế; mở rộng triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai thuế qua mạng internet; giảm thời gian làm thủ tục hải quan, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh./.

Viện CL&CSTC