HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Sửa đổi 5 luật thuế: Nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Sửa đổi 5 luật thuế: Nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

30/08/2017

Chiều 15/8/2017, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề về việc sửa đổi 5 luật thuế với nhiều nội dung quan trọng, nhằm cải cách đồng bộ hệ thống thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, linh hoạt hơn trước tình hình mới.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đang chủ trì việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên để trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật Thuế trước hết nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra.

Việc cải cách chính sách thuế cũng để đáp ứng, tương thích với những nội dung ưu đãi mà các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản… để góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước, trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi, qua đó góp phần mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Nguyên tắc của việc sửa các luật thuế là đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung sửa những bất cập so với thực tế, thống nhất với hệ thống pháp luật. Đồng thời, việc sửa luật cũng đảm bảo mục tiêu hội nhập, phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán...

Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT thuận lợi hơn

Cụ thể, đối với Luật Thuế GTGT, dự án Luật đề xuất tập trung sửa đổi 7 nội dung. Trong đó 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN gồm:Chuyển phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; bổ sung quy định DN sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT. Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hoá được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản (TNKS) có tổng giá trị TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT, và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác TNKS được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hoá mà tổng giá trị TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.

Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với hàng hoá, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

Giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa 

Đối với Luật Thuế TNDN, dự án Luật đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN với DN nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới ban hành. Cụ thể, DN siêu nhỏ (doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%. DNNVV (số lao động bình quân không quá 200 người, tổng doanh thu từ 3 - 50 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 17%. 3 nội dung sửa đổi khác cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN là: Quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho DN siêu nhỏ; tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; về bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Miễn thuế TNCN với một số đối tượng đặc biệt 

Đối với cá nhân, Luật Thuế TNCN dự kiến sửa đổi 3 nội dung nhằm tháo gỡ khó  khăn cho cá nhân gồm: Bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”; quy định miễn thuế TNCN với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện tại các nghị định, quyết định để đảm bảo tính hệ thống, thống nhất; bổ sung chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản. 

Khai thác các nguồn thu nội địa để đảm bảo cân đối ngân sách

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế TTĐB với thuốc lá tăng từ 70% hiện nay lên 75% vào năm 2019, bổ sung thêm mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà áp dụng từ ngày 1/1/2020 nhằm định hướng hành vi tiêu dùng. Đồng thời, xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng cũng được đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế xe con cùng dung tích xi lanh. Để thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, Luật cũng sửa đổi giá tính thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước). Ngoài ra, mặt hàng nước ngọt được bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% từ năm 2019.

Cuối cùng, Luật Thuế tài nguyên lần này tập trung sửa đổi 4 nội dung để thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan về khoáng sản, điện lực, hải quan…

Tại cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến tác động tới cân đối ngân sách khi thực hiện đồng loạt nhiều cải cách về thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết, những sửa đổi lần này có tác động rộng khắp trên nhiều lĩnh vực. Có nhiều chính sách sẽ làm giảm thu ngân sách như các chính sách giảm thuế, mở rộng điều kiện khấu trừ cho DN, nhưng cũng có chính sách làm tăng thu như chính sách về thuế TTĐB.

Hơn nữa, mặc dù nhiều chính sách giảm thuế, ưu đãi… có thể làm giảm thu nhưng mặt khác cũng có tác động khuyến khích sản xuất theo định hướng của Nhà nước, kích thích kinh tế tăng trưởng, từ đó góp phần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, ông Phạm Đình Thi cho biết. 

Để khắc phục tác động giảm thu khi thực hiện chính sách giảm thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung khai thác tốt nguồn thu từ nội địa, đặc biệt là các nguồn thu đang còn nhiều dư địa như thu từ các hộ kinh doanh, thu từ thương mại điện tử, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, thực hiện tốt việc chống chuyển giá, kiểm soát buôn lậu, chống gian lận thương mại.          

 Nguồn: Mof.gov.vn