Quy định mới về chứng từ kế toán giúp tăng cường tính thực tiễn trong công tác kế toán hành chính sự nghiệp
09/12/2024
Ngày 17/04/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC (Thông tư 24) hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, có hiệu lực thực hiện từ năm 2025. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến những điểm mới về chế độ chứng từ kế toán theo quy định của Thông tư 24 so với chế độ kế toán ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC.
Theo quy định của Thông tư 107/2017/TT-BTC quy định các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc (quy định trong Thông tư bao gồm 4 loại sau: Phiếu thu, Phiếu chi, Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, Biên lai thu tiền). Ngoài 4 loại chứng từ kế toán bắt buộc nêu trên và chứng từ bắt buộc quy định tại các văn bản khác, đơn vị hành chính, sự nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn cần tùy chỉnh, thiết kế lại mẫu chứng từ để phản ánh đúng và đầy đủ thông tin của các nghiệp vụ kinh tế - tài chính cụ thể phát sinh trong quá trình hoạt động của mình. Nhu cầu thiết kế lại mẫu chứng từ là để đảm bảo các thông tin kế toán được ghi chép, phản ánh rõ ràng, đúng thực tế và đáp ứng được yêu cầu trong thực tiễn quản lý của từng đơn vị.
Để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt và tăng tính thực tiễn trong thực hiện công tác kế toán, phù hợp với yêu cầu quản lý, ghi chép thông tin tại các đơn vị, Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định tại Điều 4 về chứng từ kế toán như sau:
“Điều 4. Quy định về chứng từ kế toán
1. Các đơn vị kế toán được tự thiết kế chứng từ kế toán của đơn vị để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh phù hợp yêu cầu quản lý, đảm bảo đủ các thông tin phục vụ hạch toán kế toán, trừ trường hợp đã có quy định mẫu biểu chứng từ kế toán tại các văn bản pháp luật có liên quan. Chứng từ kế toán do đơn vị tự thiết kế phải phản ánh đúng bản chất của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, tuân thủ các nội dung quy định tại Luật Kế toán, phù hợp với thông tin cần ghi sổ kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị.
2. Trường hợp đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc (sau đây gọi tắt là đơn vị) sử dụng các chứng từ kế toán in sẵn, thì phải thực hiện bảo quản cẩn thận, không được để hư hỏng, mục nát. Đối với loại chứng từ kế toán được cơ quan có thẩm quyền quy định phải quản lý riêng biệt, chặt chẽ như tiền, thì đơn vị phải thực hiện đúng quy trình quản lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn.”
Thông tư 24 quy định các đơn vị kế toán được tự thiết kế tất cả chứng từ kế toán của đơn vị để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phù hợp yêu cầu quản lý, đảm bảo đủ các thông tin phục vụ hạch toán, trừ trường hợp đã có quy định mẫu biểu chứng từ kế toán tại các văn bản pháp luật liên qua, chứng từ kế toán do đơn vị tự thiết kế phải tuân thủ các nội dung quy định tại Luật Kế toán. Theo Điều 16 Luật Kế toán 2015, quy định chứng từ kế toán phải có đầy đủ các nội dung chủ yếu sau:
- Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
- Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;
- Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
- Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
- Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.
Ngoài những nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán nêu trên, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ.
Tại Điểm 2 Điều 4 Thông tư 24 quy định, trường hợp đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc sử dụng các chứng từ kế toán in sẵn, thì phải thực hiện bảo quản cẩn thận, không được để hư hỏng, mục nát. Đối với loại chứng từ kế toán được cơ quan có thẩm quyền quy định phải quản lý riêng biệt, chặt chẽ như tiền, thì đơn vị phải thực hiện đúng quy trình quản lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Như vậy, Thông tư 24 không còn quy định về việc áp dụng mẫu chứng từ kế toán bắt buộc, cho phép các đơn vị tự chủ động lựa chọn và thực hiện mẫu chứng từ phù hợp với nhu cầu và điều kiện áp dụng công nghệ thông tin hiện hành. Việc tự thiết kế mẫu chứng từ cũng giúp cho các đơn vị linh hoạt hơn trong việc quản lý và sử dụng thông tin kế toán của mình, sẽ giúp cho các đơn vị có thể tối ưu hóa quá trình ghi chép các nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh phù hợp với nhu cầu cụ thể của đơn vị.
Là doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý kinh tế, Công ty Cổ phần Công nghệ VCS Việt Nam đã nghiên cứu kịp thời nâng cấp phần mềm Kế toán Hành chính sự nghiệp (VCS ACS) đáp ứng theo Thông tư 24. Trong đó, phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Thông tư về chứng từ kế toán để các đơn vị kế toán sử dụng, tăng tính thực tiễn của đơn vị theo đúng chế độ kế toán mới.
Đơn vị có nhu cầu xin liên hệ với công ty qua SDT: 1900.555.526 hoặc Email: lienhe@phanmemvcs.vn.