Giới thiệu Thông tư 45/2018/TT-BTC về chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao TSCĐ trong các đơn vị, cơ quan nhà nước
30/08/2018
Ngày 07/05/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ngày 07/05/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư 45). Thông tư 45 có hiệu lực thi hành từ ngày 02/07/2018, áp dụng từ năm tài chính 2018 và thay thế cho Thông tư 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn TSCĐ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 162).
Thông tư 45 đã có nhiều thay đổi, phù hợp với quy định hiện hành về quản lý, sử dụng TSCĐ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, như Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 (Luật QLTSC) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật QLTSC, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Thông tư 45 có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, 2)
So với Thông tư 162, Thông tư 45 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh để phù hợp với quy định của Luật QLTSC. Theo đó, ngoài TSCĐ trong các cơ quan nhà nước, ĐVSNCL, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội,- tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư 45 bổ sung thêm các TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo Điều 99, Luật QLTSC) và TSCĐ phục vụ công tác quản lý của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân (Khoản 3 Điều 64 Luật QLTSC).
Thứ hai, về việc tính hao mòn, khấu hao TSCĐ (Điều 12 – 16).
Thông tư 45 quy định tính hao mòn, khấu hao TSCĐ đối với từng trường hợp như sau:
- TSCĐ tại ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi tắt là nhóm 1);
- TSCĐ tại ĐVSNCL thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao TSCĐ vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật (gọi tắt là nhóm 2);
- TSCĐ của ĐVSNCL không thuộc 2 trường hợp trên được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật (gọi tắt là nhóm 3), bao gồm:
+ Nhóm 3a: TSCĐ sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết;
+ Nhóm 3b: TSCĐ vừa sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị;
- TSCĐ không thuộc các nhóm 1, 2, 3, 5 tại các cơ quan tổ chức, đơn vị và TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là nhóm 4);
- Các TSCĐ không phải tính hao mòn, khấu hao (gọi tắt là nhóm 5) bao gồm: (a) Quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản theo quy định; (b) TSCĐ đặc thù, trừ thương hiệu của ĐVSNCL thuộc nhóm 3; (c) TSCĐ đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị; (d) TSCĐ đã hỏng không tiếp tục sử dụng được; (đ) TSCĐ khác quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 45.
Theo đó, TSCĐ thuộc nhóm 1, 2, 3a phải tính khấu hao theo quy định đối với doanh nghiệp (hiện đang áp dụng theo Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ, Thông tư 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2013/TT-BTC, Thông tư 28/2017/TT-BTC ngày 12/04/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2013/TT-BTC và Thông tư 147/2016/TT-BTC). Đối với các TSCĐ thuộc nhóm 3b, đơn vị phải tính toán và phân bổ số khấu hao và số hao mòn vào chi phí của từng hoạt động (hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, hoạt động thường xuyên theo chức năng…) căn cứ thời gian sử dụng, tần suất sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành. Đơn vị tính hao mòn đối với các TSCĐ thuộc nhóm 4 và không phải tính khấu hao, hao mòn đối với các TSCĐ thuộc nhóm 5. Như vậy so với Thông tư 162, Thông tư 45 đã có một số thay đổi về phạm vi TSCĐ tính khấu hao, hao mòn để phù hợp với quy định của Luật QLTSC (Điều 38, 61).
Thứ ba, về tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ
Đối với các TSCĐ thuộc nhóm 1, 2, 3a: Áp dụng tiêu chuẩn nhận biết theo quy định đối với doanh nghiệp. Các TSCĐ thuộc nhóm 3b, 4, 5 áp dụng tiêu chuẩn nhận biết theo quy định tại Điều 3 Thông tư 45.
Theo đó, Thông tư 45 giữ nguyên quy định về tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình (các tài sản phải thỏa mãn đồng thời 02 Điều kiện: có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên và có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên). Ngoài ra, để phù hợp với tình hình sử dụng thực tế trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương và yêu cầu của quản lý, Thông tư 45 cho phép các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương quy định một số tài sản chưa đủ 02 tiêu chuẩn nêu trên là TSCĐ, gồm: (1) Tài sản (trừ nhà, vật kiến trúc) có nguyên giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng và có thời gian sử dụng trên một năm; (2) Tài sản là trang thiết bị dễ hỏng, dễ vỡ có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên (các tài sản này trước đây được quy định là TSCĐ đặc thù theo quy định tại Điều 4 Thông tư 162)
Ngoài ra, đối với các TSCĐ không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng), Thương hiệu của ĐVSNCL không xác định được chi phí hình thành được quy định là TSCĐ đặc thù và được quy ước giá trị là 10 triệu đồng. Như vậy so với quy định tại Điều 5 Thông tư 162 đã bổ sung thêm thương hiệu của ĐVSNCL (trường hợp không xác định được chi phí hình thành) là TSCĐ đặc thù và quy ước giá trị TSCĐ đặc thù là 10 triệu đồng để thống nhất thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ban ngành địa phương trong việc xác định giá trị những tài sản này theo Thông tư 162. Giá quy ước này được sử dụng để ghi sổ kế toán, kê khai đăng nhập thông tin vào cơ sở quốc gia về tài sản công, không sử dụng để tính hao mòn, khấu hao.
Thứ tư, về phân loại TSCĐ (Điều 4)
Phân loại TSCĐ theo tính chất, đặc điểm tài sản thì Thông tư 45 quy định 7 loại TSCĐ hữu hình và 7 loại TSCĐ vô hình (Khoản 1 Điều 4). So với Thông tư 162, Thông tư 45 đã gộp chung các nhóm tài sản máy móc thiết bị vào chung một loại, tách ô tô thành một loại riêng để phục vụ yêu cầu quản lý, đồng thời bổ sung thêm loại Thương hiệu của ĐVSNCL.
Như vậy lần đầu tiên Thông tư 45 đã ghi nhận giá trị thương hiệu (bao gồm các yếu tố năng lực, chất lượng, uy tín, yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống và các yếu tố khác có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế cho đơn vị) là TSCĐ của ĐVSNCL. Quy định này nhằm ghi nhận một cách toàn diện đầy đủ hơn giá trị tài sản của ĐVSNCL (đặc biệt trong trường hợp đơn vị góp vốn, liên doanh, liên kết). Trường hợp không xác định được chi phí hình thành thì giá trị thương hiệu được quy ước là 10 triệu đồng (Khoản 3 Điều 5). Trường hợp đơn vị góp vốn liên doanh, liên kết thì phải xác định giá trị thương hiệu theo các quy định có liên quan của pháp luật (Khoản 4 Điều 16).
Thứ năm, về nguyên giá TSCĐ (Điều 7 – 10).
So với Thông tư 162, Thông tư 45 đã hướng dẫn chi tiết việc xác định nguyên giá và thay đổi nguyên giá TSCĐ trong quá trình sử dụng theo tính chất và nguồn gốc hình thành TSCĐ (Điều 5, 7, 8, 10). Nguyên giá này được sử dụng để ghi sổ kế toán, kê khai để đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Việc xác định giá trị TSCĐ trong các trường hợp: tổ chức bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác định giá trị để góp vốn liên doanh, liên kết, sử dụng TSCĐ để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, sử dụng TSCĐ để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công và pháp luật có liên quan (Điều 9).
Thứ sáu, về thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn, khấu hao TSCĐ (Điều 14)
Đối với các TSCĐ thuộc nhóm 1, 2, 3a thì áp dụng thời gian sử dụng và tỷ lệ khấu hao theo quy định đối với doanh nghiệp. Các TSCĐ thuộc nhóm 3b, 4, 5 áp dụng thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn theo quy định tại Thông tư 45.
Đối với các TSCĐ hữu hình về cơ bản Thông tư 45 hầu như không thay đổi về khung thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn so với quy định tại Thông tư 162. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình sử dụng thực tế trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương và yêu cầu của quản lý, Thông tư 45 cho phép các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương được phép Điều chỉnh thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn TSCĐ hữu hình không quá 20% khung tỷ lệ hao mòn quy định tại phụ lục số 01 của Thông tư;
Đối với các TSCĐ vô hình, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương ban hành quy định danh mục thời gian sử dụng và thời gian tính hao mòn tài sản thuộc phạm vi quản lý nhưng không thấp hơn 4 năm và không cao hơn 50 năm.
Thứ bảy, về phương pháp tính hao mòn, khấu hao TSCĐ (Điều 15, 16).
Đối với hao mòn TSCĐ (TSCĐ thuộc nhóm 4, 5), Thông tư 45 đã đơn giản hóa phương pháp tính hao mòn so với Thông tư 162 (đặc biệt với các trường hợp thay đổi nguyên giá). Cụ thể Thông tư 45 thống nhất tính hao mòn theo phương pháp đường thẳng như sau:
Mức hao mòn hàng năm của từng TSCĐ | = | Nguyên giá của TSCĐ (kể cả trường hợp có thay đổi về nguyên giá) | x | Tỷ lệ tính hao mòn (% năm) |
Đối với khấu hao TSCĐ (TSCĐ thuộc nhóm 1, 2, 3a) thì thực hiện quản lý trích khấu hao theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 16). Ngoài ra thông tư còn quy định việc điều chỉnh tỷ lệ khấu hao TSCĐ với các tài sản này (Khoản 2 Điều 16).
Riêng với TSCĐ thuộc nhóm 3b, đơn vị thực hiện tính tổng hao mòn theo phương pháp trên và phân bổ số khấu hao, hao mòn cho từng hoạt động (Khoản 3 Điều 16).
Toàn bộ số tiền trích khấu hao sau khi trả nợ gốc và lãi (trường hợp TSCĐ được đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn vay, vốn huy động) được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị, phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 61 Luật QLTSC.
Trên đây là một số điểm mới của Thông tư 45 về chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ tại các cơ quan nhà nước. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02/07/2018, áp dụng từ năm tài chính 2018. Hy vọng rằng, sử dụng những quy định mới trên sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý TSCĐ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian tới.
Để xem chi tiết Thông tư 45/2018/TT-BTC, vui lòng xem tại đây
- VCS VIỆT NAM-