HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công

Gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công

13/07/2022

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 sau 5 năm triển khai đã được các Bộ ngành, địa phương thực hiện một cách chủ động, đồng bộ qua đó góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công, tuy nhiên bên cạnh đó cũng phát sinh một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Những kết quả đạt được

Thông tin tại Hội nghị triển khai quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và công tác quản lý tài sản công do Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành, đến nay Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 19 Nghị định, 01 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Bên cạnh đó Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý tài sản công, như: Công văn số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 hướng dẫn xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chuẩn bị được ký ban hành; Công văn số 12289/BTC/QLCS ngày 07/10/2020 về rà soát quy định của pháp luật về khai thác tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; Công văn số 12290/BTC-QLCS ngày 07/10/2020 về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết...

Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị

Về ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, đã có 22 Bộ, ngành và 63 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Trong ban hành tiêu chuẩn, định mức tài sản công chuyên dùng, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, tiếp tục hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng và diện tích chuyên dùng.

Cụ thể: Có 13 Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 54 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 17 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ; Có 04 Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 33 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế; Có 09 Bộ, ngành, cơ quan trung ươngvà 44 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc chuyên dùng trong lĩnh vực khác...

Bên cạnh đó đối với rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, có 28 Bộ, ngành và 60 địa phương đã thực hiện việc rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung. Trong đó, có 23 Bộ, ngành và 50 địa phương đã ban hành quyết định thay thế quyết định ban hành danh mục tài sản mua sắp tập trung của Bộ, ngành, địa phương.

Về việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, theo báo cáo của các địa phương, đã có 14 địa phương thực hiện việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản.

Có thể thấy về cơ bản việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Các Bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa vừa phù hợp với yêu cầu sử dụng, vừa phù hợp với khả năng ngân sách, tạo sự công bằng, minh bạch.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản tuy nhiên bên cạnh đó theo phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai cũng phát sinh một số vướng mắc như: Tại địa phương có phát sinh một số trường hợp cho thuê cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý (quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước), hiện do tổ chức có chức năng kinh doanh nhà của địa phương theo dõi, quản lý nhưng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định nên không có cơ sở để triển khai thực hiện.

Một vướng mắc khác là hiện nay, trong số các loại tài sản kết cấu hạ tầng thì Chính phủ mới ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, hàng không, đường sắt, hàng hải. Còn các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác chưa có quy định hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện.

Bên cạnh đó,  việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp vướng mắc do: thẩm quyền phê duyệt và thẩm quyền thẩm định đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết chưa phù hợp; chưa có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công lập không phải lập Đề án, thế nào là sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập đề án...

Ngoài ra,  quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô hiện hành tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP còn thấp, không phân biệt quy mô về diện tích, dân số, khối lượng công việc phải thực hiện,... giữa các tỉnh, thành phố, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng xe ô tô phục vụ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Sớm xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP

Để đáp ứng tình hình thực tiễn, kịp thời cập nhật, bổ sung, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, tới đây Bộ Tài chính sẽ xây dựng Dự thảo Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ Tài chính đã có Công văn số 14504/BTC-QLCS ngày 22/12/2021 đề nghị các Bộ ngành, địa phương
thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài sản công. Ảnh: Nguồn Internet

Bên cạnh đó để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Tài chính đã có Công văn số 14504/BTC-QLCS ngày 22/12/2021 đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài sản công theo quy định của pháp luật.

Trong đó đề nghị Sở Tài chính và các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ về quản lý tài sản công theo quy định và lưu ý của Bộ Tài chính tại Công văn số 14504/BTC-QLCS, cụ thể như: Tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Mặt khác tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý tài sản công; phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng; phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập sở hữu toàn dân về tài sản và phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đồng thời rà soát danh mục mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Nguồn: Mof.gov.vn