HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Những điểm nổi bật của Thông tư số 24/2019/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô

Những điểm nổi bật của Thông tư số 24/2019/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô

12/07/2019

Ngày 22/04/2019 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTC (Thông tư số 24) hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Thông tư số 24 quy định chi tiết về việc xác định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của: Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương, Tổng cục, tổ chức tương đương; lấy ý kiến của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp về mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với từng đơn vị. Cụ thể:

Thứ nhất, về việc xác định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan

- Đối với nhóm đơn vị có số biên chế dưới 50 người/01 đơn vị

+ Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương:

 Định mức sử dụng xe ô tô (xe)

=  Số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người(đơn vị)/2

+ Cục, Vụ, Ban và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục và tổ chức tương đương:

Định mức sử dụng xe ô tô (xe)

=  Số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người(đơn vị)/3

- Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị

+ Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương:

Định mức sử dụng xe ô tô (xe)

=  Số lượng đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị

+ Cục, Vụ, Ban và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục và tổ chức tương đương:

Định mức sử dụng xe ô tô (xe)

=  Số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người(đơn vị)/2

- Đối với nhóm đơn vị mà trụ sở làm việc không nằm chung địa bàn tỉnh, thành phố với trụ sở của Bộ, cơ quan trung ương hoặc trụ sở của Tổng cục, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định cho nhóm đơn vị này tối đa 01 xe/01 đơn vị. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương xem xét, quyết định định mức sử dụng tối đa 02 xe/01 đơn vị trong các trường hợp: Đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đơn vị có phạm vi quản lý trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Thứ hai, về việc lấy ý kiến của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp về mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài

- Khi đàm phán để ký kết văn kiện dự án viện trợ không hoàn lại mà nhà tài trợ yêu cầu phải mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đàm phán dự án có văn bản gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính (đối với cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý), của Sở Tài chính (đối với cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý).

- Văn bản gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính (hoặc Sở Tài chính) cần ghi rõ các thông tin theo quy định như: Sự cần thiết; số lượng; loại xe; mục đích sử dụng; tên đơn vị đăng ký; tên đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe và tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý. Trường hợp việc mua xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận thì tại Quyết định của cấp có thẩm quyền phải ghi rõ và đầy đủ các thông tin trên.

- Việc đàm phán (nếu có), ký kết thỏa thuận viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về đàm phán, ký kết điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế. Đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô có trách nhiệm báo cáo, xử lý xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản dự án khi kết thúc.

Thứ ba, về việc xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được áp dụng trên 2 công đoạn, bao gồm: Công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và công đoạn đi công tác với 2 hình thức khoán theo km thực tế và khoán gọn.

a) Đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại:

- Hình thức khoán theo km thực tế:

Mức khoán (đồng/tháng)

=

Số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (Lộ trình ngắn nhất km)

x

Số ngày làm việc thực tế trong tháng (Bao gồm cả ngày làm thêm nếu phát sinh)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

- Hình thức khoán gọn:

Mức khoán

(đồng/ tháng)

=

Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (Tính trung bình cho tất cả các chức danh hoặc từng chức danh)

x

Số ngày đưa đón bình quân hàng tháng

( 22 ngày/tháng)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

b) Đối với công đoạn đi công tác:

- Hình thức khoán theo km thực tế:

Mức khoán (đồng/tháng)

=

Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (Lộ trình ngắn nhất)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

- Hình thức khoán gọn:

Mức khoán (đồng/tháng)

=

Số km đi công tác bình quân hàng tháng ( Tính trung bình cho tất cả các chức danh hoặc từng chức danh)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

      Thông tư số 24 có hiệu lực kể từ ngày 06/06/2019 thay thế Thông tư số 159/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/08/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

-VCSVIETNAM-