Mục tiêu, nhiệm vụ về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
05/02/2023
Ngày 02/08/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 926/QĐ- TTg về phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong sáu Chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Chương trình:
Chương trình này có mục tiêu chung là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.
Về mục tiêu cụ thể của Chương trình: Tập trung đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 đạt:
99% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025;
50% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao theo hướng bền vững;
Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.4 của tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới;
25% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.1 của tiêu chí số 9 về An ninh, trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
Ảnh minh họa
Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản pháp lý: Rà soát, nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về việc xác định xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng nông thôn mới: Tập trung tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; Đổi mới nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền trong cả nước; Đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet và các nền tảng mạng xã hội.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh chính trị ở địa bàn nông thôn như: Nâng cao hiệu quả thực hiện nội dung tiêu chí xã không có khiếu kiện đông người kéo dài trái pháp luật; và chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh kinh tế ở địa bàn nông thôn, rà soát những bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn: Chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội; Tăng cường công tác quản lý nhà nước; quản lý địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện những đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội hoặc đang có biểu hiện nghi vấn phạm tội. Tập trung mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an; Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo về anh ninh Tổ quốc.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Tăng cường củng cố mối quan hệ phối hợp trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn.
Về quản lý sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước: Thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 43 của Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 13/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
(Xem chi tiết Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 02/08/2022 tại đây).