HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Hướng dẫn mới về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Hướng dẫn mới về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

04/02/2023

Thông tư 76/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 06/02/2023. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng về quy định nợ phải trả; thực hiện công khai, minh bạch thông tin khi chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Hướng dẫn cụ thể về quy định nợ phải trả

Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau: “2. Nợ phải trả: Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phân loại nợ phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Căn cứ hợp đồng, giấy báo nợ, đối chiếu nợ và các tài liệu khác (nếu có), đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thực hiện: Lập bảng kê các khoản nợ vay theo từng chủ nợ; Xác định các khoản nợ thuế, phí và khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác; Phân tích cụ thể các khoản nợ vay theo hợp đồng (vay trong nước, vay nước ngoài), vay có bảo lãnh, vay không có bảo lãnh, vay do phát hành trái phiếu; các khoản nợ phải trả đến hạn thanh toán và chưa đến hạn thanh toán, khoản nợ gốc, nợ lãi, khoản nợ phải trả nhưng không phải thanh toán.

Ảnh minh họa: GH

Nợ phải trả nhưng không phải thanh toán của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bao gồm:

Các khoản nợ mà chủ nợ của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi khi thực hiện đối chiếu xác nhận nợ thuộc một trong các trường hợp sau: Nợ của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản nhưng không xác định được cơ quan hoặc cá nhân thừa kế nợ theo phương án giải thể, phá sản đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định;

Nợ của các cá nhân đã chết nhưng không xác định được người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế;

Nợ của các chủ nợ khác đã quá hạn nhưng chủ nợ không đến đối chiếu, xác nhận. Trong trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải có văn bản thông báo gửi trực tiếp đến chủ nợ đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước thời điểm xác định giá trị ít nhất 10 ngày làm việc.

Các khoản kinh phí Ngân sách nhà nước cấp; Các khoản viện trợ, vay nợ nước ngoài không hoàn lại; Các khoản phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;  Phần kinh phí của Quỹ đặc thù, Quỹ khác hình thành từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc chênh lệch thu chi của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi; Các khoản nợ không phải thanh toán khác.

Thực hiện công khai, minh bạch thông tin

Thông tư sửa đổi “Điều 11. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin”, theo đó đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải thực hiện công bố công khai thông tin về quá trình chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn cụ thể sau:

Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền về: xử lý tài chính, lao động, đất đai liên quan đến quá trình chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Nghị định 3 số 150/2020/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải thực hiện công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đồng thời gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để theo dõi.

Định kỳ hàng quý (trước ngày 05 của tháng liền kề sau quý báo cáo), đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai công tác chuyển đổi thành công ty cổ phần theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo Biểu mẫu tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này) và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đồng thời gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để theo dõi.

Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi gửi nội dung công bố công khai theo một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc gửi qua hệ thống Chính phủ điện tử (trường hợp đơn vị đã được kết nối với hệ thống Chính phủ điện tử)”.

- Nguồn: Mof.gov.vn-