HOME / TRA CỨU VĂN BẢN

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Hướng dẫn khoản 2 Điều 9 Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ...


BỘ TÀI CHÍNH


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 07/2017/TT-BTC

     Hà Nội, ngày  24  tháng 01  năm 2017     

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn khoản 2 Điều 9 Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả áp dụng trong lĩnh vực tài chính


Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số;

Căn cứ Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập;

Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

Căn cứ Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

Căn cứ Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 2 Điều 9  Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (sau đây gọi là Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg) áp dụng trong lĩnh vực tài chính.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xác định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu, gian lận thương mại và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg, bao gồm các nhóm hành vi: 

1. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan.

2. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí.

3. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá.

4. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán.

5. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

6. Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các lực lượng có chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính.

2. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg.

Điều 3. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan

 Các hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg được xác định theo các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, bao gồm các hành vi tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí

Các hành vi được coi là hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg được xác định theo các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, bao gồm các hành vi tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá

Các hành vi được coi là hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg được xác định theo các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, bao gồm các hành vi tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán

Các hành vi được coi là hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg được xác định theo các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, bao gồm các hành vi tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Các hành vi được coi là hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg được xác định theo các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, bao gồm các hành vi tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn

Các hành vi được coi là hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg được xác định theo các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, bao gồm các hành vi Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2017.

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước ; Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- TAND tối cao, VKSND tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ PC.

          KT. BỘ TRƯỞNG
         THỨ TRƯỞNG




 

 

 

            Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

PHỤ LỤC IV

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán

(ban hành kèm theo Thông tư số 07/2017/TT-BTC  ngày 24 tháng 01 năm 2017

của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

STT

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán

Quy  định tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP*

1

Tẩy xoá, sửa chữa chứng từ kế toán.

Điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

2

Ký chứng từ kế toán mà không có thẩm quyền ký hoặc không được uỷ quyền ký.

Điểm c khoản 3  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

3

Giả mạo, khai man chứng từ kế toán.

Điểm a khoản 4  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

4

Thoả thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán.

Điểm b khoản 4  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

5

Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

Điểm c khoản 4  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

6

Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

Điểm d khoản 4  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

7

Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

Điểm đ khoản 4  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

8

Huỷ bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng chứng từ kế toán.

Điểm e khoản 4  Điều 7 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

9

Lập sổ kế toán không đầy đủ các nội dung theo quy định như: không ghi tên đơn vị kế toán, tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; không đánh số trang, không đóng dấu giáp lai giữa các trang trên sổ kế toán.

Điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

 

10

Ghi sổ kế toán không đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định.

Điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

11

Vi phạm các quy định về ghi sổ kế toán như ghi chồng lên nhau, ghi cách dòng; không gạch chéo phần trang sổ không ghi; không thực hiện việc cộng số liệu tổng cộng khi ghi hết trang sổ, không thực hiện việc chuyển số liệu tổng cộng trang sổ trước sang đầu trang sổ kế tiếp.

Điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

 

12

Không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán.

Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

13

Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán năm trước liền kề hoặc sổ kế toán ghi không liên tục từ khi mở sổ đến khi khoá sổ.

Điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

 

14

Không thực hiện việc khoá sổ kế toán trong các trường hợp mà pháp luật về kế toán quy định phải khoá sổ kế toán.

Điểm d khoản 3 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

15

Mở sổ kế toán ngoài hệ thống kế toán chính thức của đơn vị.

Điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

16

Giả mạo sổ kế toán.

Điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

17

Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo sổ kế toán.

Điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

18

Cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị.

Điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

19

Huỷ bỏ trước hạn hoặc cố ý làm hư hỏng sổ kế toán.

Điểm đ khoản 4 Điều 8 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

20

Hạch toán không theo đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán.

Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

21

Sửa đổi nội dung, phương pháp hạch toán của tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc mở thêm tài khoản kế toán trong hệ thống tài khoản kế toán cấp I đã lựa chọn không được Bộ Tài chính chấp nhận.

Điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

22

Lập và trình bày báo cáo tài chính không đúng phương pháp; không rõ ràng; không nhất quán theo quy định.

Điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

23

Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định, gồm: Quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm và các khoản thu chi tài chính khác; tình hình tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, kết quả hoạt động kinh doanh, trích lập và sử dụng các quỹ, thu nhập của nguời lao động.

Điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

 

24

Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán.

Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

25

Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính.

Điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

26

Thoả thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính.

Điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

27

Cố ý, thoả thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.

Điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

28

 

Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật.

Điểm g khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

29

Không lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê theo quy định.

Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

30

Không xác định nguyên nhân chênh lệch; không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán vào sổ kế toán.

Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

31

Không thực hiện việc tổ chức kiểm kê, phân loại, phục hồi tài liệu kế toán bị mất mát hoặc bị hủy hoại.

Điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

32

Hủy bỏ tài liệu kế toán khi chưa hết thời hạn lưu trữ theo quy định.

Điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

33

Tiêu hủy tài liệu kế toán không thành lập Hội đồng tiêu hủy, không thực hiện đúng phương pháp tiêu hủy và không lập biên bản tiêu hủy theo quy định.

Điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP

 

* Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (Nghị định số 105/2013/NĐ-CP).