HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

11/10/2023

Bộ Tài chính đã dự thảo dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và đang gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 10 nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng bộ với hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Sửa đổi để thu hút đầu tư

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của việc sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Cũng như có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DN có quy mô nhỏ, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định trong tương lai. Mở rộng cơ sở thuế, hạn chế được các hành vi dịch chuyển lợi nhuận làm xói mòn cơ sở thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để chống gian lận, chống thất thu thuế TNDN, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN. Khắc phục được các bất cập, vướng mắc trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật thuế TNDN cũng như sự thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan. Góp phần tham gia hiệu quả các sáng kiến, diễn đàn quốc tế về thuế.

Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 15 Điều, bao gồm quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, xác định thu nhập tính thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, nơi nộp thuế, ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế, chuyển lỗ, trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, để thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu, trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đang được Chính phủ xây dựng trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2023, tại dự thảo Luật dự kiến bổ sung một chương quy định vấn đề này. Đồng thời, sẽ rà soát lại các quy định liên quan của luật hiện hành để đảm bảo sự thống nhất với việc bổ sung này (bao gồm quy định về người nộp thuế, chi phí được trừ, thu nhập tính thuế, thuế suất...).

Với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như trên, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) thay thế Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008, Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung 10 nhóm chính sách

Tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung 10 nhóm chính sách. Cụ thể:

Chính sách 1 về hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế. Mục tiêu của chính sách nhằm mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển trong nước và quốc tế; đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính sách này điều chỉnh quy định liên quan người nộp thuế TNDN thông qua việc sửa đổi khái niệm cơ sở thường trú của Luật TNDN hiện hành cho phù hợp.

Chính sách 2 hoàn thiện các quy định liên quan đến việc xác định thu nhập chịu thuế TNDN nhằm đảm bảo bao quát các khoản thu nhập chịu thuế của người nộp thuế phát sinh trong thực tiễn, góp phần mở rộng cơ sở thuế. Đảm bảo sự minh bạch, ổn định của chính sách thuế TNDN trên cơ sở luật hóa một số quy định ở các nghị định của Chính phủ đang được thực hiện ổn định thời gian qua không vướng mắc và được thực tiễn chứng minh là phù hợp.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các khoản thu nhập chịu thuế tại Điều 3 Luật thuế TNDN hiện hành cho phù hợp với xu hướng phát triển và yêu cầu của thực tiễn.

Chính sách 3 hoàn thiện quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN. Theo cơ quan soạn thảo, tại Điều 4 Luật thuế TNDN quy định 11 khoản thu nhập miễn thuế. Về cơ bản, quy định này là phù hợp với thực tế thực hiện thời gian qua, góp phần khuyến khích DN đầu tư phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cần đặc biệt ưu đãi theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số lĩnh vực, ngành nghề mới mà thu nhập từ các ngành, nghề này cũng cần được xem xét, đưa vào diện miễn thuế TNDN để được ưu đãi cao hơn hoặc một số lĩnh vực cần quy định rõ tiêu chí để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung với nhóm chính sách này sẽ đảm bảo việc miễn thuế phù hợp với thực tiễn, gắn với các hoạt động thực sự cần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy phát triển theo định hướng của Đảng và nhà nước; quy định rõ tiêu chí đối với các thu nhập được miễn thuế để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.

Chính sách sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tiêu chí xác định một số khoản thu nhập miễn thuế tại Điều 4 Luật thuế TNDN hiện hành. Đồng thời, bổ sung một số khoản thu nhập vào diện được miễn thuế TNDN để thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Chính sách 4 hoàn thiện quy định liên quan đến việc xác định thu nhập tính thuế TNDN. Cùng với việc đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển cũng như thông lệ quốc tế, chính sách này còn đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự ổn định và minh bạch của chính sách thuế TNDN.

Theo đó, chính sách này sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác định thu nhập tính thuế TNDN tại Luật thuế TNDN hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chính sách 5 hoàn thiện quy định về việc xác định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Theo cơ quan soạn thảo, chính sách này nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, tạo thuận lợi trong thực hiện, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế. Luật hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ đã có thời gian thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch, tính pháp lý cao hơn của chính sách. Đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính sách này sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc xác định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Chính sách 6 điều chỉnh thuế suất thuế TNDN đối với một số nhóm đối tượng cho phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới. Theo đó, chính sách sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế suất thuế TNDN, bao gồm: quy định về thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; thuế suất thuế TNDN áp dụng đối với các DN có quy mô nhỏ.

Chính sách 7 hoàn thiện quy định về phương pháp tính thuế.  Mục tiêu của chính sách nhằm luật hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ đã có thời gian thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch, tính pháp lý cao hơn của chính sách. Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN; đơn giản hóa việc nộp thuế cho các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Theo đó, chính sách này sửa đổi, bổ sung một số quy định về phương pháp tính thuế thuế TNDN hiện hành.

Chính sách 8 hoàn thiện quy định về nơi nộp thuế TNDN nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chính sách này bỏ quy định về nơi nộp thuế đang được quy định tại Luật thuế TNDN cho phù hợp với Luật Quản lý thuế.

Chính sách 9 hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế TNDN nhằm thể chế hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế TNDN, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững; phát huy vai trò, hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển. Nội dung của chính sách sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định về ưu đãi thuế TNDN (thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế, chuyển lỗ); sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, điều kiện ưu đãi thuế TNDN.

Chính sách 10 bổ sung các quy định liên quan đến chính sách thuế TNDN để thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu.

Mục tiêu chính sách có giải pháp phù hợp để giữ lại quyền đánh thuế cho Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu. Tạo ra nguồn thu cho NSNN để đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo đó, chính sách bổ sung quy định để áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) đảm bảo phù hợp với các quy tắc theo hướng dẫn của OECD để thu thuế bổ sung đối với các DN thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở Việt Nam.

 

Thực hiện các định hướng của Đảng và Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của các cấp về xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật thuế TNDN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi). Đến nay, sau thời gian gửi lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đã nhận được 85 văn bản tham gia ý kiến. Về cơ bản các ý kiến đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở ý kiến của thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chỉnh lý hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật này./.

Nguồn: Mof.gov.vn