HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Hạch toán các khoản Tạm chi theo Thông tư 107/2017/TT-BTC

Hạch toán các khoản Tạm chi theo Thông tư 107/2017/TT-BTC

26/04/2018

Nhà nước luôn luôn khuyến khích các đơn vị sự nghiệp tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế, bổ sung thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Căn cứ kết quả tài chính trong năm, phần chênh lệch thu lớn hơn chi được đơn vị sử dụng trích lập các quỹ theo quy định. “Việc hạch toán các khoản thu nhập tăng thêm như thế nào” là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của các cán bộ kế toán trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp khi áp dụng chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC trong thời gian qua. Câu trả lời cho câu hỏi trên sẽ được làm rõ thông qua tìm hiểu về Tài khoản 137 “ Tạm chi”.

Thứ nhất, về nguyên tắc hạch toán tài khoản Tài khoản 137 “Tạm chi”:

Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tạm chi bổ sung thu nhập, trường hợp đơn vị sự nghiệp không có tồn quỹ bổ sung thu nhập chi từ dự toán ứng trước năm sau, các khoản tạm chi khác và việc thanh toán các khoản tạm chi đó.

Chỉ hạch toán vào Tài khoản 137 “Tạm chi” Các khoản chi dự toán ứng trước, tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị (nếu cơ chế tài chính cho phép “ và các khoản tạm chi khác chưa đủ điều kiện chi).

Cuối kỳ, khi đơn vị xác định được thặng dư (thâm hụt) của các hoạt động và thực hiện trích lập các quỹ theo quy định của quy chế tài chính, đơn vị phải kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong kỳ sang TK 413 "Quỹ bổ sung thu nhập" (đối với đơn vị sự nghiệp” hoặc TK 421 "Thặng dư (Thâm hụt) lũy kế" (đối với cơ quan hành chính) căn cứ quyết định của Thủ trưởng đơn vị theo quy định.

Thứ hai, kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 137- Tạm chi

Bên Nợ:

- Tạm chi bổ sung thu nhập cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị phát sinh trong kỳ và các khoản tạm chi khác.

- Số tạm chi từ dự toán ứng trước.

- Các khoản tạm chi khác phát sinh trong kỳ.

Bên Có:

- Cuối kỳ, khi xác định được Quỹ bổ sung thu nhập, kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quyết định chi Quỹ của đơn vị sang Tài khoản 4313 “Quỹ bổ sung thu nhập“

- Khi đơn vị được giao dự toán chính thức kết chuyển số đã chi sang các tài khoản chi có liên quan.

- Các khoản tạm chi khác khi đủ điều kiện để kết chuyển sang các TK chi tương ứng.

Số dư bên Nợ: Số đã tạm chi nhưng chưa được giao dự toán chính thức, chưa đủ điều kiện chuyển sang chi chính thức hoặc chưa xác định kết quả hoạt động cuối năm.

Tài khoản 137- Tạm chi, có 3 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 1371- Tạm chi bổ sung thu nhập

- Tài khoản 1374- Tạm chi từ dự toán ứng trước

- Tài khoản 1378- Tạm chi khác

Thứ ba, phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu:

1. Kế toán tạm chi bổ sung thu nhập

a, Trong kỳ, nếu được phép tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị, phản ánh số phải trả người lao động, ghi:

Nợ TK 137- Tạm chi (1371)

        Có TK 334- Phải trả người lao động

- Khi rút dự toán về Quỹ tiền mặt hoặc TK tiền gửi:

Nợ TK 111, 112

        Có TK 511- Thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp

Đồng thời ghi Có TK 0082

- Khi chi bổ sung thu nhập cho người lao động, ghi:

Nợ TK 334- Phải trả người lao động

        Có TK 111, 112.

b, Cuối kỳ, khi xác định kết quả các hoạt động

Đối với đơn vị sự nghiệp:

b1. Trích lập quỹ bổ sung thu nhập, kết chuyển thặng dư (thâm hụt) sang quỹ bổ sung thu nhập theo quy định của cơ chế quản lý tài chính, chi:

Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

        Có TK 431- Các quỹ (4313)

b2. Kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập trong kỳ theo số đã được duyệt, ghi:

Nợ TK 431- Các quỹ (4313)

        Có TK 137- Tạm chi (1371)

Đối với cơ quan Nhà nước:

b3. Kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập trong kỳ theo số đã được duyệt, ghi:

Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

        Có TK 137- Tạm chi (1371)

2. Kế toán tạm chi khen thưởng, phúc lợi

a, Trong kỳ, nếu được phép tạm chi khen thưởng, phúc lợi từ số kinh phí xác định là tiết kiệm trong năm:

- Khi rút dự toán về Quỹ tiền mặt hoặc TK tiền gửi:

Nợ TK 111, 112

        Có TK 511- Thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp

Đồng thời ghi Có TK 0082

- Khi tạm chi khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, ghi:

Nợ TK 1378- Phải trả người lao động

        Có TK 111, 112.

b, Cuối kỳ, khi xác định kết quả các hoạt động

Đối với đơn vị sự nghiệp:

b1. Trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, kết chuyển thặng dư (thâm hụt) sang quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định của cơ chế quản lý tài chính, ghi:

Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

        Có TK 43118, 43121

b2. Kết chuyển số đã tạm chi khen thưởng, phúc lợi trong kỳ theo số đã được duyệt, ghi:

Nợ TK 43118, 43121

        Có TK 1378

Đối với cơ quan Nhà nước:

b3. Kết chuyển số đã tạm chi khen thưởng, phúc lợi trong kỳ theo số đã được duyệt, ghi:

Nợ TK 421 – Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

        Có TK 1378

Chú ý: Các đơn vị được phép tạm chi bổ sung thu nhập khi chưa trích lập quỹ. Theo thông tư 172/2009/TT-BTC sửa đổi bổ sung thông tư 81/2006/TT-BTC hướng dẫn chế độ kiểm soát chi, trong năm: căn cứ vào mức chênh lệch thu lớn hơn chi hàng quý xác định được; đơn vị lập giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (thanh toán) để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức trong đơn vị theo quý gửi Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thanh toán theo mức thủ trưởng đơn vị đề nghị đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao nhưng tối đa không quá 60% số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý.

Đối với việc trích lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP: Hàng quý, căn cứ vào kết quả tài chính thực hiện trong quý, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi trong quý gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch đề nghị trích lập các quỹ theo quy định (đối với quý IV được thực hiện trong tháng 01 của năm sau để phù hợp với việc quyết toán ngân sách nhà nước các cấp). Căn cứ vào Giấy rút dự toán của đơn vị, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền từ tài khoản dự toán sang tài khoản tiền gửi các quỹ của đơn vị nhưng tối đa không vượt quá 60% số chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại trong quý của đơn vị sau khi đã chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.

Lấy ví dụ, để các bạn có thể nhìn cụ thể hơn:

Khi đơn vị được giao dự toán- KP tự chủ: 1 tỷ

  1. Phân bổ dự toán hàng quý ( Căn cứ nhiệm vụ từng quý)

Quý 1= 250 triệu; Qúy 2= 200 triệu; Qúy 3= 250 triệu ; Qúy 4= 300 triệu

Với Quý 1: rút và chi hết 200tr -> chênh lệch tiết kiệm được là 50 triệu (250 triệu – 200 triệu)

  1. Chi TNTT: =< 60% x 50 triệu = 30 triệu

Số tiền kiệm còn lại là 20tr (50tr-30tr). Nếu đơn vị tạm chi khác ( khen thưởng, phúc lợi) trong quý, sẽ tiếp tục thực hiện

  1. Chi khác ( khen thưởng, phúc lợi): =< 60% x 20 triệu = 12 triệu

3. Kế toán tạm chi dự toán ứng trước

a, Khi phát sinh các khoản chi từ dự toán ứng trước bằng tiền, ghi:

Nợ TK 137- Tạm chi (1374)

        Có TK 111, 112

b, Khi phát sinh các khoản chi trực tiếp từ dự toán ứng trước, ghi:

Nợ TK 137- Tạm chi (1374)

        Có TK 337- Tạm thu (3374)

Đồng thời ghi: Có TK 009- Dự toán đầu tư XDCB (0093)

c, Khi được giao dự toán chính thức, ghi:

Nợ TK 241- XDCB dở dang

        Có TK 137- Tạm chi (1374)

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3374)

        Có TK 336- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (3664)

Chú ý: Đối tượng được ứng trước dự toán (theo Nghị định 163/2016/NĐ-CP) :

- Các dự án quan trọng quốc gia

- Các dự án, công trình xây dựng cơ bản cấp bách của trung ương và địa phương.

4. Kế toán các khoản tạm chi khác

Trường hợp, các đơn vị sự nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước nhưng dự toán năm nay chưa được giao (thực tế đã chi vượt dự toán giao trong năm, vượt khối lượng nhà nước đặt hàng trong năm…)

- Đơn vị tạm lấy từ nguồn khác để chi thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước, ghi:

Nợ TK 137- Tạm chi (1378)

Có TK 111, 112.

- Khi được giao dự toán chính thức, ghi:

Nợ TK 008- Dự toán chi hoạt động

- Khi làm thủ tục rút dự toán (bù đắp lại) số đã tạm chi trong năm, ghi:

Nợ TK 611- Chi hoạt động

        Có TK 137- Tạm chi (1378)

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 111, 112

        Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp

Đồng thời, ghi:

       Có TK 008- Dự toán chi hoạt động.