HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Quy định mới về việc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2019

Quy định mới về việc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2019

17/10/2019

Ngày 05 tháng 06 năm 2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BTC hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Trên cơ sở thông tư, bài viết này nhằm giới thiệu đến quý bạn đọc những quy định mới về việc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Ngày 05 tháng 06 năm 2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BTC hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Trên cơ sở thông tư, bài viết này nhằm giới thiệu đến quý bạn đọc những quy định mới về việc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Về việc xác định nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế:

- Đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã:

+ Sử dụng nguồn dự toán ngân sách được giao hằng năm (ngoài phần kinh phí ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế) và nguồn thu của đơn vị được để lại sử dụng theo quy định (đối với đơn vị có nguồn thu) để chi trả các chế độ sau: Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người trong diện tinh giản biên chế trong độ tuổi quy định có nguyện vọng đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc; Tiếp tục trả lương trong thời gian đi học nghề và trợ cấp khoản kinh phí học nghề cho đối tượng trong độ tuổi được tạo điều kiện cho đi học nghề.

+ Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại theo nguyên tắc: Đối với đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo Nghị định 68 do cấp nào quản lý thì ngân sách cấp đó đảm bảo bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Các đơn vị tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên; các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên sử dụng nguồn thu và nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công và các Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP;

+ Các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và do ngân sách đảm bảo chi thường xuyên sử dụng nguồn thu của đơn vị được để lại theo quy định, dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ và nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi trả các chế độ sau: Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người trong diện tinh giản biên chế trong độ tuổi quy định có nguyện vọng đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc; Tiếp tục trả lương trong thời gian đi học nghề và trợ cấp khoản kinh phí học nghề cho đối tượng trong độ tuổi được tạo điều kiện cho đi học nghề. Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ còn lại theo quy định được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của các đơn vị.

+ Người lao động được các đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng lần đầu từ ngày 29 tháng 10 năm 2003 trở đi, thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP thì kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế cho đối tượng này lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp.

- Đối với các trường hợp đặc thù khác:

+ Nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội được lấy từ kinh phí hoạt động của hội.

+ Nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong cơ quan liên đoàn lao động Việt Nam lấy từ nguồn 2% kinh phí công đoàn.

+ Các trường hợp còn lại theo quy định Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Cùng với việc hướng dẫn xác định nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thông tư này còn hướng dẫn cách lập, phân bổ và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Cụ thể:

- Lập dự toán kinh phí: thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo đúng các mẫu biểu 1a, 1b, 1c, 1d và biểu số 2 ban hành kèm theo thông tư này. Riêng đối với năm 2019, các cơ quan, đơn vị sẽ xây dựng dự toán gửi cơ quan tài chính cấp trên để tổng hợp gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán theo quy định.

- Phân bổ kinh phí: Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế được phân bổ vào nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ, kinh phí không thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sach. Trên cơ sở danh sách tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, đơn vị  chủ động sử dụng nguồn dự toán được giao để chi trả cho các đối tượng. Định kì 02 lần/năm chậm nhất là 15 tháng 7 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế 06 tháng đầu năm và chậm nhất 15 tháng 01 hằng năm thực hiện báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế 06 tháng cuối năm trước liền kề.

- Quyết toán kinh phí: Căn cứ vào văn bản kiểm tra đối tượng tinh giản biên chế và kinh phí thực hiên chính sách tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế và tổng hợp chung vào báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.

Trên đây là bài viết giới thiệu những quy định mới về việc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2019. Công ty hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các đơn vị trong công tác tài chính - kế toán của mình.