HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Những thành công từ chính sách tài khóa năm 2016

Những thành công từ chính sách tài khóa năm 2016

13/02/2017

Chính sách tài khóa năm 2016 đã thực hiện điều hành chặt chẽ, linh hoạt, tập trung thực hiện hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng công tác huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

   Cơ chế chính sách trong quản lý và điều hành thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) được điều chỉnh; công tác quản lý thu, đẩy mạnh chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, thu các khoản phải thu phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường.


   Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh nhằm hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính thuế, hải quan, mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử... Ngoài ra, công tác quản lý chi được tăng cường, việc giao kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN được đôn đốc khẩn trương triển khai thực hiện; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khả thi và thanh toán tốt trong năm 2016. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thanh toán vốn đối với các dự án đầu tư từ nguồn NSNN và nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) được tăng cường nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản... Do đó, thu, chi NSNN năm 2016 đã đạt được một số thành công.


Thu NSNN cả năm vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu giảm

   Tổng thu NSNN đạt khoảng 1.080 nghìn tỷ đồng, vượt 65,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 116,7% dự toán (tương ứng vượt trên 70 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); trong khi đó, thu ngân sách trung ương cơ bản đạt dự toán.

Về cơ cấu thu NSNN đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó thu nội địa tăng mạnh (từ 74,2% năm 2015 lênkhoảng 79,3% năm 2016), trong khi thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm (từ 17,8% năm 2015 xuống khoảng 16% năm 2016) và đặc biệt là sự giảm mạnh thu từ dầu thô (từ 6,8% năm 2015 xuống khoảng 4% năm 2016). Thu nội địa đạt kết quả tích cực một phần nhờ vào việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu để thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh từ hoạt động của nền kinh tế; thực hiện quyết liệt đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung đôn đốc xử lý nợ đọng thuế và các khoản kiến nghị, truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Một số khoản thu nội địa đạt khá so với dự toán như thu từ khu vực ngoài nhà nước, thuế thu nhập cá nhân, các khoản thu về nhà đất, thuế bảo vệ môi trường.


Chi NSNN đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ đột xuất trong năm 2016

   Cùng với các điều chỉnh về chính sách thu ngân sách, chính sách chi cũng được điều hành chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo các nhu cầu chi theo dự toán. Do đó, nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo mục tiêu đề ra. Chi NSNN có xu hướng giảm do chủ trương thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Chi NSNN cả năm đạt khoảng 94,6% dự toán.

Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc tổ chức thực hiện và triển khai các mục tiêu đề ra theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng ngân sách tại một số bộ, địa phương, một số dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN; tăng cường công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước. Trong năm 2016, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát 741.386 tỷ đồng chi thường xuyên (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng), đạt 88,6% dự toán (837.050 tỷ đồng); đồng thời phát hiện khoảng 28.762 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định và từ chối thanh toán 42 tỷ đồng. Do đó, kỷ luật tài chính được tăng cường góp phần gia tăng hiệu quả sử dụng NSNN. Chi NSNN đã đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ an sinh xã hội, khắc phục hậu quả sau thiên tai, xử lý sự cố về môi trường.


Công tác huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả thuận lợi

   Huy động vốn đạt kết quả tích cực trong bối cảnh Chính phủ chủ động đẩy mạnh phát hành TPCP ngay từ đầu năm, với tổng vốn huy động đạt 281.750 tỷ đồng, hoàn thành mức kế hoạch năm giao Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, lãi suất phát hành TPCP có xu hướng giảm, giúp giảm chi phí huy động vốn. Lãi suất trúng thầu TPCP đối với các kỳ hạn lần lượt là 5,25 - 5,78% (kỳ hạn 3 năm); 4,9 - 6,6% (kỳ hạn 5 năm); 5,45 - 6,68% (kỳ hạn 7 năm); 6,1 - 6,95% (kỳ hạn 10 năm); 7,2 - 7,65% (kỳ hạn 15 năm); 7,71 - 7,75% (kỳ hạn 20 năm); 7,98 - 8% (kỳ hạn 30 năm).

Viện CL&CSTC


- Nguồn mof.gov.vn -