HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Bộ Tài chính hướng dẫn cắt giảm kinh phí và tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 theo Nghị quyết 58/NQ-CP.

Bộ Tài chính hướng dẫn cắt giảm kinh phí và tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 theo Nghị quyết 58/NQ-CP.

16/06/2021

Ngày 08/06/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/06/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021 (Nghị quyết 58); trong đó quy định: “Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.”

Ngày 10/06/2021, Bộ Tài chính ban hành công văn số 6299/BTC-NSNN hướng dẫn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 theo Nghị quyết 58:

1. Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn lại tính đến ngày 15/6/2021.

Số dự toán cắt giảm = (A - A1) x tối thiểu 50%

Trong đó: A là dự toán được giao năm 2021 để chi tổ chức hội nghi, đi công tác trong và ngoài nước (theo số phân bổ hoặc số thực hiện năm 2020); A1 là số kinh phí tổ chức hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước đã thực hiện/hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đến 15/06/2021.

2. Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2021.

Số kinh phí tiết kiệm thêm = (A – B – C – D) x 10%. Trong đó:

A: Là số dự toán chi thường xuyên năm 2021 được cấp có thẩm quyền giao.

B: Tổng quỹ lương tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, phụ cấp, tiền công và các khoản chi khác cho con người theo chế độ, chính sách hiện hành (học bổng học sinh, sinh viên; tiền ăn, tiền thưởng, tiền thuê chuyên gia; các khoản phụ cấp đặc thù của từng ngành kể cả bằng tiền và hiện vật; kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí…).

C: Tổng dự toán các khoản chi thường xuyên không thực hiện cắt giảm (11 nội dung)

D: Các khoản chi thường xuyên thực tế đã chi hoặc đã thực hiện ký kết hợp đồng thực hiện đến ngày 15/06/2021; kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản, đầu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích đã thực hiện một trong các khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu.

3. Căn cứ hướng dẫn tại Công văn 6299; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định và chịu trách nhiệm về số kinh phí cắt giảm và tiết kiệm thêm năm 2021; quyết định số kinh phí thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm cho các đơn vị trực thuộc, chi tiết theo từng lĩnh vực chi (kể cả các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ, các đơn vị chi thường xuyên từ nguồn thu phí, thu nghiệp vụ được để lại); gửi Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi KBNN để kiểm soát chi.

4. Xử lý khoản cắt giảm, tiết kiệm thêm

- KBNN giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các đơn vị chi thường xuyên từ nguồn NSNN. Hết thời gian chỉnh lý quyết toán, KBNN nơi giao dịch hạch toán hủy dự toán đối với số kinh phí này.

- Đối với các đơn vị chi thường xuyên từ nguồn thu phí, thu nghiệp vụ được để lại: Đơn vị nộp kinh phí cắt giảm vào thu NSNN (tiểu mục 4949) chia làm 2 đợt trước ngày 30/09/2021 và trước ngày 31/12/2021.

5. Sử dụng dự toán còn lại sau khi cắt giảm, tiết kiệm theo Nghị quyết 58

Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương rà soát, sắp xếp, bố trí lại các nhiệm vụ chi thường xuyên trong phạm vi dự toán còn lại; cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm; chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương theo hướng dẫn tại Công văn 6299.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021. Quý độc giả quan tâm vui lòng xem chi tiết Tại đây