HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Hiệu quả từ công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước

Hiệu quả từ công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước

25/12/2020

Hiệu quả từ công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước

Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước, sau 7 năm thực hiện, việc quản lý, kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước hiện nay đã đi vào nề nếp, và là một trong những cải cách tài chính công theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

DSC04452.JPG

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì Hội thảo

Sáng ngày 22/12, Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội thảo trực tuyến “Công tác quản lý, kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước” tại điểm cầu trung ương và 63 điểm cầu Kho bạc Nhà nước (KBNN) các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì Hội thảo; tham dự Hộ thảo có đại diện Ngân hàng Thế giới; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận Tài, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo KBNN các tỉnh, thành phố; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính…

Trong khuôn khổ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành tài chính, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính đã tiến hành từng bước cải cách nền tài chính công thông qua “Dự án Tài chính công”. Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) với mục tiêu thống nhất về quy trình quản lý thu – chi ngân sách, đảm bảo đồng bộ dữ liệu thu chi ngân sách giữa cơ quan Thuế - Kho bạc – Tài chính; trực tiếp khai thác báo cáo, quản lý dự toán các cấp minh bạch…

Đối với công tác kiểm soát chi NSNN, nhận thức rõ mục tiêu và ý nghĩa của việc cam kết chi NSNN, để góp phần tăng cường công tác cải cách tài chính công và nâng cao hiệu quả tài chính ngân sách, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2008/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN. Kể từ ngày 1/6/2013, Bộ Tài chính (KBNN) đã triển khai công tác quản lý kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN trên phạm vi toàn quốc cùng với việc triển khai đồng bộ các phân hệ của hệ thống TABMIS tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là bước đánh dấu bước phát triển mới trong công tác quản lý, kiểm soát thanh toán, kế toán NSNN của hệ thống KBNN.

DSC04373.JPG

Ông Trần mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) báo cáo kết quả triển khai

Đánh giá kết quả thực hiện từ năm 2013 đến nay, ông Trần mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, việc quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN hiện nay đã đi vào nền nếp, các đơn vị tham gia từ chủ đầu tư, đơn vị dự toán, Sở Tài chính và KBNN đã thực hiện tương đối tốt, đảm bảo đúng nguyên tắc và quy trình theo quy định. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cam kết chi về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Có thể nhận thấy, nếu triển khai, thực hiện đồng bộ từ các cơ quan có liên quan thì đây là một trong những cải cách về công tác kiểm soát chi nói riêng và cải cách tài chính công nói chung theo hướng công khai, minh bạch và phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, cũng như phù hợp với lộ trình triển khai chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2020.

Cụ thể, các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư đã chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch dành dự toán, nguồn vốn cho các hợp đồng đã ký kết và quản lý tốt hơn trong việc triển khai thực hiện tiến độ theo nội dung cam kết trong hợp đồng. Đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu cho các cấp chính quyền với KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư trong việc phân bổ và giao dự toán ngân sách; hạn chế dần tình trạng bố trí kế hoạch vốn cho các dự án triển khai chậm tiến độ, không có khối lượng để thanh toán.

Việc triển khai thực hiện quản lý cam kết chi cũng đã giúp KBNN chủ động hơn trong việc quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước. Đồng thời, thông qua việc quản lý nhà cung cấp trên hệ thống TABMIS đã ngăn ngừa tình trạng rủi ro trong việc chuyển tiền thanh toán đến đối tượng thụ hưởng, nâng cao vai trò kiểm soát chi NSNN của KBNN, góp phần quản lý chặt chẽ nguồn vốn thanh toán từ NSNN cho dự án.

Đổi mới để phù hợp thông lệ quốc tế

Trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia tư vấn, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó định hướng đổi mới cơ chế kiểm soát cam kết chi NSNN cho phù hợp với thông lệ quốc tế: kiểm soát cam kết chi NSNN được thực hiện trước khi đơn vị sử dụng ngân sách tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng; đảm bảo phù hợp với ngân sách trung hạn và dự toán ngân sách hàng năm.

DSC04419.JPG

Ông Nguyễn Việt Hồng - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước điều hành phiên thảo luận

Để thực hiện được định hướng này, về lâu dài Bộ Tài chính sẽ phải hoàn thiện nâng cao cơ sở pháp lý, quy định về quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin điện tử đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu… Để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi trong thời gian qua, trước mắt KBNN đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 113/2008/TT-BTC và Thông tư số 40/2016/TT-BTC.

Tại Hội thảo, bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) đã trình bày một số nội dung chính của dự thảo Thông tư như: đối tượng thực hiện cam kết chi; quy định về nguyên tắc quản lý, kiểm soát chi; phương thức thực hiện quản lý gắn với cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giao dịch điện tử; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách/chủ đầu từ trong quản lý kiểm soát cam kết chi; xây dựng hệ thống mẫu biểu báo cáo…

DSC04429.JPG

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KBNN TPHCM, KBNN Hải Phòng, KBNN Lào Cai. Nhất trí cao với các ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo Thông tư và định hướng công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Hồng - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho rằng đây đều là những nội dung quan trọng để KBNN hướng tới mục tiêu tiếp tục tiếp tục cải cách tài chính công, dần tiếp cận với các thông lệ tốt của thế giới, đặc biệt quản lý có hiệu quả nguồn lực NSNN trong thời gian tới, gắn với việc triển khai thực hiện chính phủ điện tử.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế năm 2020, việc giữ ổn định được ngân sách địa phương và ngân sách trung ương đã tạo ra nền tảng tốt, tạo niềm tin cho đầu tư phát triển. Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương cả về định hướng trước mắt và lâu dài, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bên có liên quan để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi trong thời gian tới.

- Nguồn: Mof.gov.vn-