HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo Thông tư số 18/2020/TT-BTC

Quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo Thông tư số 18/2020/TT-BTC

09/05/2020

Quy định của Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 03 năm 2020 của Bộ Tài chính về sử dụng tài khoản tại KBNN

Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/03/2020 của Bộ Tài chính (Thông tư 18) hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (thay thế Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12/05/2014 của Bộ Tài chính) quy định một số nội dung về sử dung tài khoản tại Kho bạc Nhà nước như sau:

1. Về phân loại tài khoản các đơn vị, tổ chức mở tại Kho bạc bao gồm:

- Tài khoản dự toán được mở cho các đơn vị thụ hưởng kinh phí của ngân sách nhà nước (NSNN), các tổ chức ngân sách theo hình thức cấp bằng dự toán gồm: tài khoản dự toán chi thường xuyên, dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự toán chi đầu tư phát triển khác, dự toán chi kinh phí ủy quyền, dự toán chi chuyển giao, dự toán chi bằng lệnh chi tiền,...

- Tài khoản tiền gửi được mở cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức gồm: Tiền gửi dự toán, Tiền gửi thu phí, Tiền gửi thu sự nghiệp khác, Tiền gửi khác (đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp); Tiền gửi vốn đầu tư do xã quản lý, Tiền gửi các quỹ tài chính ngoài ngân sách của xã, Tiền gửi khác (đối với các xã); Tài khoản tiền gửi của ban quản lý dự án;…

- Tài khoản có tính chất tiền gửi (Tài khoản tiền gửi được mở cho các cơ quan thu; Tài khoản tạm giữ chờ xử lý mở cho các cơ quan thu; Tài khoản phải trả khác…).

- Tài khoản thu, chi của cơ quan quản lý thu.

2. Quy định sử dụng tài khoản:

- Đối với tài khoản dự toán:

+ Các đơn vị sử dụng tài khoản dự toán theo đúng chế độ kiểm soát chi và chế độ thanh toán ngân sách nhà nước qua KBNN hiện hành. Căn cứ vào dự toán NSNN đã được giao để lập Giấy rút dự toán ngân sách/Giấy rút vốn đầu tư để thực hiện các giao dịch thanh toán;

+ Chi NSNN thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ KBNN cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ (trừ một số trường hợp khoản chi chưa đủ điều kiện thực hiện thanh toán trực tiếp từ KBNN, đơn vị được tạm ứng để chủ động chi theo dự toán được giao sau đó thanh toán với KBNN theo quy định);

+ Không sử dụng tài khoản dự toán để tiếp nhận các khoản thanh toán do các đơn vị khác chi trả (trừ các khoản bị ngân hàng hoặc KBNN khác trả lại, các khoản nộp khôi phục dự toán và khoản thu hồi nộp trả NSNN chưa quyết toán ngân sách).

- Đối với tài khoản tiền gửi:

+ Các đơn vị chỉ được sử dụng trong phạm vi số dư của tài khoản tiền gửi để thực hiện các giao dịch trong phạm vi hoạt động của đơn vị và phù hợp với nội dung tài khoản đã đăng ký với KBNN. Việc thanh toán từ tài khoản tiền gửi sử dụng các chứng từ Ủy nhiệm chi, Giấy nộp tiền vào NSNN… để thực hiện và phải theo quy định của chế độ thanh toán không dùng tiền mặt, chế độ quản lý tiền mặt, chế độ tài chính của Nhà nước.

- Đối với tài khoản có tính chất tiền gửi và tài khoản thu, chi của cơ quan thu: thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 10 của Thông tư 18.

3. Quy định về lãi tiền gửi và các khoản phí dịch vụ

 Thông tư 18 cũng quy định thêm về lãi tiền gửi (Điều 14)  và các khoản phí dịch vụ (Điều 15) áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị được quy định  tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

4. Quy định về đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản tại KBNN: Vui lòng xem tại đây.

VCS Việt Nam.