HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Quy định về quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo nghị định 33/2019/NĐ-CP

Quy định về quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo nghị định 33/2019/NĐ-CP

12/07/2019

Quy định về quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo nghị định 33/2019/NĐ-CP

Ngày 23/04/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2019/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định số 33). Theo Nghị định, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (TSHTĐB) được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về đối tượng, Điều 2 của Nghị định số 33 quy định đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quản quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; cơ quan được giao quản lý tài sản; Cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp được giao sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Về nguyên tắc, Điều 3 của Nghị định số 33 quy định, Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

So với Nghị định số 10/2013/NĐ-CP trước đây thì Nghị định số 33 bổ sung thêm 04 nhóm tài sản hạ tầng đường bộ như sau:

1) Kho bảo quản vật tư dự phòng;

2) Trung tâm quản lý và giám sát giao thông (Trung tâm ITS);

3) Phần đất hành lang an toàn đường bộ đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng;

4) Trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ;

Về trách nhiệm quản lý TSHTĐB, Điều 5 của Nghị định số 33 quy định, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản, gồm: Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; ở địa phương là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn.

Về kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Điều 8 Nghị định số 33 quy định, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm:

+ Mở sổ và thực hiện kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ;

+ Thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hàng năm theo quy định của pháp luật.

+ Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoàn thành, đưa vào sử dụng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì giá trị ghi sổ kế toán là giá trị mua sắm, quyết toán theo quy định;

+ Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán thì sử dụng nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán;

+ Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong quá trình quản lý, sử dụng được nâng cấp, mở rộng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì khi dự án được phê duyệt quyết toán, giá trị quyết toán của dự án được kế toán tăng giá trị tài sản;

+ Chế độ kế toán, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính (hiện nay là thông tư số 98 ban hành ngày 25 tháng 07 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ tài chính).

Về bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Điều 9 của Nghị đinh số 33 quy định, việc bảo trì tài sản bảo đảm tuân theo trình tự, quy trình, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác tài sản. Bao gồm 2 hình thức là bảo trì theo chất lượng thực hiện và bảo trì theo khối lượng thực tế.

Về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Điều 11 của Nghị định số 33 quy định, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản theo 2 phương thức:

+ Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

+ Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Định kỳ hằng quý, chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ khai thác đã hoàn thành việc thanh toán chi phí vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

Về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,  Điều 18 Nghị định số 33 quy định, các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện tương tự như các hình thức xử lý tài sản công ở Điều 40 của luật quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 (Bao gồm: Thu hồi tài sản; Điều chuyển tài sản; Bán tài sản; Sử dụng tài sản để thanh toán cho nhà thầu; Thanh lý tài sản; Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại và các hình thức xử lý khác).

 Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước do Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản làm chủ tài khoản.

Về chế độ báo cáo và cơ sở dữ liệu, Điều 26 Nghị định số 33 quy định, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được báo cáo và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu để quản lý thống nhất theo các mẫu biểu từ mẫu số 01 đến mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định số 33, bao gồm:

+ Báo cáo kê khai tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo mẫu số 02 (Gồm báo cáo kê khai lần đầu và báo cáo kê khai bổ sung);

+ Báo cáo tình hình quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Mẫu số 03;

+ Báo cáo tình hình xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Mẫu số 04;

+ Báo cáo tình hình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Mẫu số 05;

 Hằng năm, cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của năm trước và báo cáo đột xuất theo yêu cầu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này với trình tự và thời hạn cụ thể như sau:

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 17/06/2019, thay thế Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 10/01/2013 của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Để xem chi tiết Nghị định 33/2019/NĐ-CP, vui lòng xem tại đây ./.