HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Nghị định mới quy định một số điều của Luật Kế toán

Nghị định mới quy định một số điều của Luật Kế toán

28/07/2017

Ngày 30/12/2016, Chính phủ đã ban hành nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán thay thế nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 và nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

Nghị định bổ sung nhiều điểm mới nhằm tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các quy định kế toán kiểm toán.

Sau đây là một số điểm mới và thay đổi chính của nghị định.

  1. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

- Theo khoản 4 điều 4 NĐ 174 đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh khi lập báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tài chính hợp nhất từ báo cáo tài chính của các công ty con, đơn vị kế toán trực thuộc hoặc đơn vị kế toán cấp trên trong lĩnh vực kế toán nhà nước khi lập báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tổng quyết toán ngân sách năm từ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị cấp dưới nếu có ít nhất 1 chỉ tiêu trên báo cáo có từ 9 chữ số trở lên thì được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là nghìn đồng (1.000 đồng), có từ 12 chữ số trở lên thì được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là triệu đồng (1.000.000 đồng), có từ 15 chữ số trở lên thì được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là tỷ đồng (1.000.000.000 đồng).

- Đơn vị kế toán khi công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn theo quy định trên.

  1. Chứng từ kế toán

- Nghị định 174 cho phép doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu các chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị mà không phải áp dụng thống nhất theo những quy định cứng nhắc như trước đây, tuy nhiên phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định.

- Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam không cần phải dịch toàn bộ nội dung mà chỉ cần dịch các dịch các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 điều 16 Luật kế toán ra tiếng việt. Bản chứng từ kế toán dịch ra tiếng việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.

  1. Tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử

- Đơn vị kế toán được lựa chọn lưu trữ chứng từ kế toán và sổ kế toán trên phương tiện điện tử mà không cần in ra giấy nếu việc lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và đảm bảo tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

- Đơn vị kế toán có trách nhiệm in ra giấy các tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc kế toán trưởng và đóng dấu để cung cấp cho cơ quan thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát và kiểm toán khi có yêu cầu.

  1. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán

- Nghị định 174 không bắt buộc đơn vị kế toán phải có kế toán trưởng, áp dụng đối với:

Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm, đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì thực hiện bổ nhiệm phụ trách kế toán.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

- Nghị định cũng quy định phụ trách kế toán phải có một số tiêu chuẩn giống như kế toán trưởng được quy định tại khoản 1 điều 54 Luật kế toán. Một trong các tiêu chuẩn của phụ trách kế toán là có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.

  1. Kế toán đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh và tổ hợp tác, nhà thầu nước ngoài.

- Theo NĐ 174, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh và tổ hợp tác được vận dụng chế độ kế toán doanh nghiệp để mở sổ kế toán phục vụ việc theo dõi, ghi chép và xác định nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước. Theo NĐ 129 trước đây, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh và tổ hợp tác được miễn lập và nộp báo cáo tài chính.

- Nhà thầu nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc cư trú tại Việt Nam mà cơ sở thường trú hoặc cư trú này không phải là đơn vị độc lập có tư cách pháp nhân thì cơ sở thường trú hoặc cư trú này được lựa chọn áp dụng đầy đủ hoặc một số nội dung của chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lý của mình và phải thông báo cho cơ quan thuế theo quy định. Trường hợp nhà thầu lựa chọn áp dụng đầy đủ chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam thì phải thực hiện nhất quán cho cả niên độ kế toán.

  1. Cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán.

- Nghị định 174 đưa ra những hướng dẫn về cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài. Theo đó, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam là việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không có sự hiện diện thương mại tại Việt nam nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.

- Việc thực hiện công việc kế toán tập trung theo chính sách chung trong Tập đoàn của doanh nghiệp nước ngoài cho công ty mẹ và các công ty con khác trong cùng tập đoàn hoạt động tại Việt Nam không được coi là hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới.

- Một điểm mới nổi bật là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kế toán viên hành nghề tại Việt Nam. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, pháp nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và việc bắt buộc mua bảo hiểm cho kế toán viên cũng nhằm phòng ngừa rủi ro pháp lý cho các kế toán viên hành nghề.

         Những quy định trên là một bước quan trọng trong lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được Chính phủ cam kết. Đây là thách thức song cũng mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc làm đối với doanh nghiệp kế toán, người hành nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam khẳng định mình vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

        Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

 

                                                                                                                                                  P.N.D