HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020

Tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020

13/02/2017

Những kết quả đạt được và định hướng tái cơ cấu tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Những kết quả đạt được


Tái cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công và khu vực dịch vụ công

Chính sách động viên NSNN được hoàn thiện theo các mục tiêu, định hướng đề ra trong Chiến lược Tài chính và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, nhờ đó đã thu hút hiệu quả, động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu và từ tài nguyên, đất đai... Các chính sách thuế, phí, lệ phí được ban hành minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng.


Quy mô thu NSNN 5 năm 2011 - 2015 tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010, bình quân đạt 23,4% GDP. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, tăng từ 58,9% giai đoạn 2006 - 2010 lên 67,8% giai đoạn 2011 - 2015 và riêng năm 2015 đạt 74,2% (vượt mục tiêu 70% của giai đoạn 2011 - 2015). Quy mô chi NSNN bình quân giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 29% GDP, giảm so với 32% GDP giai đoạn 2006 - 2010. Cơ cấu chi NSNN biến động theo hướng giảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng chi thường xuyên, chủ động bố trí NSNN ưu tiên thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.


Nguồn vốn huy động từ nợ công những năm qua đã trở thành nguồn lực quan trọng để bù đắp bội chi NSNN, thực hiện các nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp (bảo lãnh, cho vay lại), tham gia đầu tư các chương trình dự án thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Về cơ bản, các chỉ tiêu nợ công luôn trong giới hạn quy định. Đến cuối năm 2015, so với GDP, nợ công là 62,2%, nợ chính phủ 50,3% và nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%. Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Trong cơ cấu nợ chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và nợ nước ngoài giảm từ 61% năm 2011 xuống 43% năm 2015.

Việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ được thực hiện chặt chẽ và luôn đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới cam kết với các nhà đầu tư.

Về tái cơ cấu khu vực sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công tiếp tục được đổi mới theo hướng tập trung vào việc tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập.


Trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa, làm giảm áp lực cho các cơ sở công lập, tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ; nâng cao trách nhiệm và tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thực hiện xã hội hóa, do đó các cơ sở này ngày càng được mở rộng và phát triển.


Tái cơ cấu đầu tư

Cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công đã từng bước được hoàn thiện như các Luật NSNN, Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu... Năm 2015, tỷ trọng trong tổng đầu tư toàn xã hội của khu vực nhà nước là 38%, khu vực ngoài nhà nước 38,7% và khu vực FDI 23,3%. Đầu tư của khu vực nhà nước so với GDP giai đoạn 2011 - 2015 duy trì ổn định, nhưng cơ cấu nguồn vốn có sự thay đổi. Đầu tư từ NSNN giảm dần, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 ở mức 5,81% GDP (tương đương 46,9% tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước), thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010 (8,57% GDP). Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư công cũng được cải thiện, hệ số ICOR giai đoạn 2011 - 2015 là 6,91, tăng so với 6,96 của giai đoạn 2006 - 2010.


Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành và điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường. Nhờ đó, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được đẩy mạnh. Kết quả thực hiện cho thấy, thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện; nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu; phân định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.


Tái cơ cấu thị trường chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm

Thị trường chứng khoán đã duy trì được xu hướng tăng trưởng ổn định. Tổng quy mô (giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ trái phiếu) đạt 59% GDP, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đến hết năm 2015 đạt khoảng 35% GDP (gấp 1,5 lần so với năm 2011); dư nợ trái phiếu khoảng 24% GDP; thanh khoản thị trường có sự cải thiện.


Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện góp phần tạo môi trường, nền tảng pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường đạt 84.506 tỷ đồng, khoảng 2% GDP. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16,7%/năm (từ 46.985 tỷ đồng năm 2011 lên 84.375 tỷ đồng năm 2015).  


Định hướng tái cơ cấu tài chính - NSNN giai đoạn 2016 - 2020


Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, nợ công và khu vực sự nghiệp công

Cần xây dựng và nghiên cứu các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm về hoàn thiện thể chế để phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Thực hiện có hiệu quả Luật NSNN, Luật Phí và Lệ phí và các luật thuế. Quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia.


Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công

Các giải pháp tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công cần tiếp tục được đẩy mạnh, đi đôi với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật NSNN 2015, Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 142/2016/QH13.


Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.


Tái cấu trúc thị trường chứng khoán

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế phù hợp với kinh tế thị trường và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tập trung vào 4 trụ cột chính của thị trường chứng khoán là cung hàng hóa, nhà đầu tư, các tổ chức trung gian và tổ chức thị trường. Theo đó, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp với giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát nhằm bảo đảm an toàn cho thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính quốc gia; xây dựng, ban hành Luật Chứng khoán mới và các văn bản hướng dẫn; hoàn thiện quy định về minh bạch thông tin và xử lý tranh chấp, tạo điều kiện thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán và triển khai các sản phẩm, góp phần đa dạng hóa hàng hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán.


Tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, theo đó tăng cường năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; triển khai mở rộng bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm, kênh phân phối mới và phát triển thị trường tới các địa bàn, các thị trường ngách. Đồng thời theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc; giám sát, đôn đốc doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động...


- Nguồn mof.gov.vn -