HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước ở Việt Nam

Giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước ở Việt Nam

13/02/2017

Viện chiến lược và chính sách tài chính đánh giá tình hình và đưa ra những giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước.

Lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2016 đạt 911,2 nghìn tỷ đồng, bằng 89,8% dự toán, bằng 87,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung cả giai đoạn 2011 - 2015, quy mô và cơ cấu thu NSNN có sự chuyển biến tích cực. Quy mô thu NSNN bằng 2 lần giai đoạn 2006 - 2010 và hơn 5 lần giai đoạn 2001 - 2005. Trong cơ cấu thu NSNN, so với giai đoạn 2006 - 2010, thu nội địa tăng từ 59% lên 68% tổng thu NSNN; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 20,7% xuống còn 17,9%; thu từ dầu thô giảm từ 18,4% xuống còn 13% và thu viện trợ không hoàn lại giảm từ 2,1% xuống còn 1,2%.


Thu nội địa năm 2016 và giai đoạn 2011 - 2015 đạt kết quả tích cực một phần nhờ hiệu quả từ các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và thu ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Ngoài ra, còn có đóng góp từ việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp quản lý chống thất thu NSNN. Các cơ quan thuế và hải quan đã nỗ lực thu hồi, xử lý tiền nợ thuế. Tính đến thời điểm ngày 30/9/2016, thu hồi được khoảng 31.785 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ năm 2016 (nếu loại trừ tiền chậm nộp thì thu đạt 87%), trong đó: Bằng biện pháp quản lý nợ thu được 25.542 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thu được 6.243 tỷ đồng.


Chống thất thu ngân sách qua kê khai, truy hoàn và chuyển giá trong những năm qua có dấu hiệu tích cực; số thu qua thanh tra, kiểm tra đã giảm qua từng năm, cho thấy hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước trong thu thuế cũng như tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp ngày một tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 48,2 nghìn doanh nghiệp, xử lý tăng thu 8,3 nghìn tỷ đồng; cơ quan hải quan đã thực hiện trên 5,1 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu cho ngân sách 1,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện thu hồi và xử lý được 259 tỷ đồng số nợ thuế của các tờ khai phát sinh trước ngày 31/12/2015; tính đến ngày 15/9/2016, đã bắt giữ, xử lý trên 11,9 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 108 tỷ đồng.


Trong những năm qua, công tác chống thất thu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường đôn đốc nợ đọng thuế cũng như thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm chống thất thu ngân sách.


Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách: Để hạn chế tình trạng trốn thuế, gian lận thuế thông qua việc lợi dụng một số kẽ hở của chính sách, cần tiếp tục rà soát, củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật, sớm ban hành quy định về quản lý giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, chống chuyển giá và chống thất thu NSNN.


Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của đối tượng nộp thuế, rà soát chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng. Một số nước trên thế giới đã sử dụng hóa đơn điện tử, hoặc có hệ thống kết nối với cơ quan thuế, giúp cho việc theo dõi, giám sát trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian và công sức.


Ba là, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ, giảm tối đa nợ đọng thuế, có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế. Cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận trốn thuế của doanh nghiệp. Xem xét áp dụng (có điều chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam) kinh nghiệm của nước Anh trong việc xử lý đối tượng gian lận, trốn thuế thông qua biện pháp công khai danh tính và xử phạt lên đến 200% số tiền thuế không khai báo thuế hay nợ thuế.


Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thuế cả về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích về thuế. Đặc biệt cơ quan thuế cần tăng cường đối thoại và kết nối với doanh nghiệp, giải đáp các khúc mắc về thuế cũng như hỗ trợ thực hiện các thủ tục thuế. Kỷ luật nghiêm khắc cán bộ thuế cố tình để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý thuế.


Năm là, tiếp tục cải cách hành chính thuế theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế khi thực hiện tuân thủ pháp luật thuế. Trong 5 năm qua, cơ quan thuế và hải quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan qua đó giảm thời gian nộp thuế từ 872 giờ/năm (bao gồm cả thời gian kê khai bảo hiểm xã hội 335 giờ) trong năm 2012 xuống còn 770 giờ/năm (bao gồm cả thời gian kê khai bảo hiểm xã hội 273 giờ) trong năm 2016, qua đó giúp giảm chi phí hành chính thuế cho người nộp thuế. Trong thời gian tới, cơ quan thuế, hải quan cần nỗ lực cải cách hành chính thuế hơn nữa, phấn đấu đạt mức độ thuận lợi thủ tục thuế ngang bằng các nước ASEAN-4, giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.


Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thu NSNN. Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý và chống thất thu NSNN, cần xây dựng một hệ thống thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giúp đơn giản hóa và nâng cao hiệu quả trong quản lý và giám sát./.


Viện CL&CSTC


- Nguồn mof.gov.vn -