HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

13/02/2017

Mới đây, tại phiên đối thoại giữa Bộ Tài chính với Nhóm Đối tác cơ sở hạ tầng châu Á - Thái Bình Dương (APIP) nhằm chuẩn bị các nội dung thảo luận trong tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 sắp tới, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) ở Việt Nam đã được các chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra trao đổi, bàn luận.

image

Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá mô hình PPP ở Việt Nam


Hoàn thiện khung pháp lý cho PPP


Hiện nay, vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị hóa và các dịch vụ công ở Việt Nam là nhu cầu bức thiết đang được đặt ra. Trong điều kiện nguồn vốn của Nhà nước đang hạn hẹp thì hình thức đối tác tư nhân được xem là giải pháp rất hữu hiệu để giải quyết những thách thức của nền kinh tế. Tuy nhiên, để ứng dụng mô hình đối tác công tư có hiệu quả, cần có cái nhìn tổng quan mô hình này dưới dạng các hình thức hợp tác công tư và các lĩnh vực phù hợp khi ứng dụng triển khai.

Đánh giá về mô hình này ở Việt Nam trong thời gian qua, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng: tất cả văn bản pháp lý của Việt Nam quy định về hợp tác công tư mới dừng ở mức Nghị định của Chính phủ. Nghị định đầu tiên được ban hành từ năm 1993, trải qua hơn 20 năm triển khai PPP đã có được những đóng góp nhất định, tuy nhiên về thực tiễn triển khai còn nhiều thách thức. Qua 4 lần sửa đổi nhằm thúc đẩy các dự án PPP, đến năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức PPP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Theo ông Lê Tuấn Anh, hai Nghị định này đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý nhất định để cho các nhà đầu tư có cơ hội vào triển khai các dự án PPP. Chính sách quy định tại Nghị định 15 đã có nhiều cởi mở hơn như: được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện; quản lý vận hành dự án kết cấu hạ tầng; khuyến khích mở rộng cung cấp dịch vụ công; bổ sung nhiều hình thức hợp đồng mới như BOT, BTO, BT, BOO,...Tuy nhiên, đặc điểm mô hình PPP ở Việt Nam chủ yếu thể hiện ở hình thức hợp đồng BOT tập trung vào lĩnh vực đường bộ, nhà máy điện. Các dự án chủ yếu thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư. Hiện Việt Nam còn hạn chế về cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư cũng như hạn chế về năng lực nhà đầu tư trong nước.

Ông Lê Tuấn Anh cũng cho rằng: nhu cầu đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới là khá lớn, giai đoạn 2016 -2020 vào khoảng 480 tỷ USD. Trong đó, đầu tư vào 11 dự án nhà máy điện theo hình thức BOT, với công suất 13.200 MW, số vốn đầu tư khoảng 40 tỷ USD; khoảng 1.380 km đường bộ cao tốc với khoảng 11 tỷ USD; các dự án về môi trường, y tế, giáo dục khoảng 29 tỷ USD; lĩnh vực đầu tư được mở rộng và mô hình PPP đa dạng...

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Trong những năm qua, xu hướng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trong các nước khu vực và trên thế giới có xu hướng giảm xuống. Tổng mức đầu tư trong các dự án cơ sở hạ tầng có khu vực tư nhân tham gia tại các nước đang phát triển của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 16%, từ 15,9 tỷ USD năm 2014 xuống còn 13,4 tỷ USD trong năm 2015. Trên phạm vi toàn cầu, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy sự suy giảm đáng kể về đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Dự trên khảo sát và nghiên cứu thảo luận do WB tổ chức, thì nguyên nhân cơ bản của việc suy giảm đầu tư mang tính đặc thù quốc gia (như Ấn Độ quyết định định mức chi hàng năm cho các dự án PPP), một số nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến đầu tư cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia đó là do khâu chuẩn bị dự án không tốt, thiếu danh mục dự án (do năng lực), quan điểm trái chiều của người dân về PPP hay quan ngại về tính lợi nhuận của dự án quá cao, cũng như hạn chế về nguồn tài chính cho đầu tư của dự án.

Theo nhận định của WB, thì khó khăn chủ yếu với tài chính tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là do thiếu danh mục các dự án đáng tin cậy, danh mục dự án không thực tế với nhiều dự án không được chuẩn bị và nghiên cứu lỹ lưỡng, hình thức PPP mang tính rủi ro cao, hệ thống quy phạm pháp luật cho dự án PPP chưa rõ ràng. Chính phủ cần thiết phải có năng lực phù hợp để chuẩn bị, xây dựng dự án và đưa dự án ra thị trường. Vai trò của các DNNN trong đầu tư tài chính cần phải tốt hơn để tránh cản trở vai trò của khối tư nhân.

Chuyên gia của WB khuyến nghị: Ở cấp độ dự án cần cải thiện tính rõ ràng về chuyển đổi ngoại tệ: Do thiếu thị trường hoán đổi VNĐ dài hạn, các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu quốc tế sẽ yêu cầu bảo lãnh từ chính phủ nhưng không phá giá VND, quy đổi ngoại tệ và được chuyển thu nhập. Tính không chắc chắn của quỹ VGF hoặc cơ chế thanh toán nhàn rỗi để đảm bảo dự án PPP có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

image

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra những khuyến nghị chính sách đối với các dự án PPP ở Việt Nam


Đảm bảo công khai, minh bạch của các dự án PPP


Từ những hạn chế trong việc thực hiện những dự án PPP ở Việt Nam, Chuyên gia của WB đưa ra lộ trình triển khai để phát triển thị trường dự án PPP ở Việt Nam trong thời gian tới như: Cần có cơ chế bì đắp tài chính, thiết kế và thực thi hệ thống theo định hướng thị trường nhằm cung cấp trợ cấp GOV cho các dự án PPP được chuẩn bị tốt mà dự án này không được hoàn vốn 100% từ dự án. Tạo khung quản lý rủi ro tài chính nhằm nhận diện và quản lý trách nhiệm tài chính của Bộ Tài chính với hệ thống quản lý và báo cáo rủi ro phì hợp; Thiết lập Wedsite PPP của Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cập nhật về dự án PPP ra công chúng và chuyển giao kiến thức toàn cầu về PPP tới người thực hiện và người góp vốn.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia của APIP đưa ra khuyến nghị chính sách dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tế tại Việt Nam, nhằm giúp phát triển các mô hình huy động tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, các chuyên gia đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP, nhận diện được những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải như: khả năng tài chính của Việt Nam, các vấn đề về cơ chế đảm bảo chia sẻ rủi ro, bảo lãnh Chính phủ, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, quá trình triển khai dự án, hợp đồng quy chuẩn, tổ chức đấu thầu, giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai dự án… Đây là những khuyến nghị rất thiết thực, phản ánh thực chất những tồn tại, khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra những định hướng nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý nhà nước trong khâu lực chọn, chuẩn bị, quản lý, giám sát dự án, đặc biệt là nâng cao năng lực tài chính đầu tư dưới hình thức PPP đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch./.

H.Thọ


- Nguồn mof.gov.vn -