HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Một số khuyến nghị về đảm bảo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương

Một số khuyến nghị về đảm bảo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương

13/02/2017

Những thuận lợi, khó khăn và một số khuyến nghị về đảm bảo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2016-2020.


Những vấn đề đặt ra


Từ giác độ đảm bảo nguồn, trên cơ sở dự báo bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương công chức, viên chức ở Việt Nam sẽ có những nhân tố thuận lợi và thách thức đan xen. Trong đó, những nhân tố thuận lợi gồm:


Thứ nhất, những thành tựu của 30 năm đổi mới đã làm cho tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, thu nhập của người dân có sự cải thiện đáng kể (quy mô GDP tính theo USD năm 2015 ước tăng 25 lần so với năm 1991, đạt trên 191 tỷ USD. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.170 USD). Năng suất lao động giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 4,3%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân của 5 năm trước (3,4%/năm).


Thứ hai, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như việc thực hiện ba đột phá chiến lược trong 5 năm qua đã đạt được các kết quả bước đầu, tạo ra môi trường thuận lợi và tiền đề quan trọng để từng bước phục hồi lại tăng trưởng kinh tế những năm tới. Hệ thống pháp luật trong nước được điều chỉnh để từng bước phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường. Đặc biệt, hệ thống chính sách về quản lý tài chính công đã được đổi mới trên nhiều mặt, bao gồm cả chính sách động viên, chính sách quản lý chi NSNN, quản lý nợ công…


Thứ ba, cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công tiếp tục được đổi mới theo hướng tập trung vào việc tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước xây dựng lộ trình để xóa bỏ bao cấp qua giá, phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Ngoài ra, việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công thời gian qua đã được đẩy mạnh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng tăng của toàn xã hội, tăng khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ cho người dân; giảm áp lực cho các cơ sở công lập.


Thứ tư, hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra các cơ hội cho Việt Nam khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài như việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký kết 9 hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam - EU. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế những năm gần đây vững chắc hơn so với giai đoạn trước, lạm phát được duy trì ở mức thấp, nhập siêu giảm mạnh, thị trường tài chính, tiền tệ ổn định. Các yếu tố này dự báo sẽ góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Qua đó, từng bước phục hồi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tạo điều kiện tốt hơn cho việc cải thiện mức lương thực tế cho người lao động.


Tuy nhiên, cải cách tiền lương công chức, viên chức ở Việt Nam thời gian tới sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.


Một là, tình hình trong nước vẫn chứa đựng những nhân tố có khả năng tác động bất lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề cải cách tiền lương.


Hai là, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đang có xu hướng giảm, đặc biệt là nguồn lực nhà nước, kéo theo đó là dư địa nguồn lực nhà nước cho cải cách tiền lương.


Ba là, phân tích về thực trạng chi NSNN cho tiền lương và các khoản có tính chất lương ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, mức độ đảm bảo từ NSNN cho trả lương và các khoản có tính chất lương đã tiệm cận ở mức cao và khó có dư địa để mở rộng thêm.


Bốn là, việc chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự trang trải của khu vực sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa được xem là hướng đi quan trọng để hỗ trợ cho cải cách tiền lương đang phải đối mặt với một số rào cản, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.


Một số khuyến nghị


(i) Cần xác định lại phạm vi đối tượng được trả lương và các khoản có tính chất lương từ NSNN. Hiện nay, phạm vi đối tượng được trả lương và các khoản có tính chất lương từ NSNN khá rộng, bao gồm công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu trước ngày 01/10/1995, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công. Do đó, cần xác định rõ những nhiệm vụ nào do NSNN đảm nhiệm, nhiệm vụ nào có thể chuyển cho các thành phần kinh tế khác thực hiện. Đồng thời, rà soát lại các nhiệm vụ, công việc trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước và ở từng vị trí công việc cụ thể; tiến tới trả lương theo vị trí việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nghiên cứu để tiến tới bỏ chế độ công tác suốt đời thay bằng chế độ hợp đồng lao động đối với một số vị trí công việc, hướng tới việc trả lương cho cán bộ, công chức theo nguyên lý thị trường, phản ánh giá trị sức lao động thực, gắn với vị trí đảm nhiệm, khả năng và kết quả làm việc của từng cán bộ, công chức.

(ii) Đổi mới cơ chế đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương, khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, thực hiện được “tiền lương hóa” các khoản thu nhập ngoài lương, đảm bảo tính ổn định, bền vững của nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương. Đồng thời, trong quá trình cải cách tiền lương phải đảm bảo các nguyên tắc cân đối vĩ mô của nền kinh tế; đảm bảo quan hệ giữa tích lũy với tiêu dùng, giữa tăng quỹ lương và trợ cấp với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và khả năng cân đối của NSNN.

(iii) Tăng cường hiệu quả chi NSNN để hỗ trợ có kết quả cho quá trình cơ cấu lại chi NSNN, ưu tiên bố trí nguồn lực cho cải cách tiền lương. Tính toán lại nhu cầu chi đầu tư phát triển từ NSNN, kết hợp với khả năng huy động các nguồn khác để vừa đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội, vừa dành nguồn thích đáng cho cải cách tiền lương cũng như đảm bảo chi cho các khoản nợ đến hạn. Thực hiện triệt để các giải pháp để cắt giảm các khoản chi thường xuyên có tính chất bù đắp thu nhập từ NSNN như chi bồi dưỡng hội họp, chi thù lao tham gia đề tài, đề án để có thêm nguồn lực chi cho tiền lương.

(iv) Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng các loại hình dịch vụ công cơ bản, qua đó khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, giảm sức ép đến NSNN, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ công ngày càng cao của người dân.

(v) Thực hiện triệt để chủ trương tiền tệ hóa tiền lương. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập cũng là một yếu tố quan trọng cần được nghiên cứu trong tiến trình cải cách chính sách tiền lương.

(vi) Nghiên cứu hình thành một lộ trình phù hợp cho việc cải cách tiền lương của các khu vực, bộ phận khác nhau. Việc cải cách dàn đều trên mọi khu vực như thời gian qua sẽ rất khó tạo ra sự đột phá. Trên cơ sở các nguồn lực cân đối được, để cải cách tiền lương được căn bản, cần phải có sự thay đổi trong phương thức trả lương, chấp nhận sự phân hóa về mức lương của công chức, viên chức trên cơ sở gắn với hiệu quả và kết quả thực hiện công việc của từng khu vực./.


Viện CL&CSTC


- Nguồn mof.gov.vn -