HOME /  / Tìm hiểu chính sách / Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, gắn đào tạo nghề với việc làm

Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, gắn đào tạo nghề với việc làm

23/12/2016

Công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, bên cạnh mặt tích cực đã đạt được, kết quả đào tạo nghề ngắn hạn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Nhiều ưu đãi cho người học nghề

Theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng của Thủ tướng Chính phủ, người lao động khi tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng được hưởng các chính sách ưu đãi sau: Hỗ trợ chi phí đào tạo với mức hỗ trợ cao nhất đối với người khuyết tật là 06 triệu đồng/người/khóa học; các đối tượng khác từ 02 triệu đồng/người/khóa học đến 4 triệu đồng/người/khóa học.

Hỗ trợ tiền ăn, đi lại với mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại: từ 200.000 đồng/người/khóa học đến 300.000 đồng/người/khóa học.

Chỉ tính riêng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 91,5% kế hoạch 6 năm (2010- 2015) và bằng 41,3% kế hoạch của 11 năm (2010-2020); số người học xong có việc làm đạt 78,7%, trong đó 24,5% số người thuộc hộ nghèo sau khi học nghề có việc làm đã thoát nghèo, 4,5% số người sau khi học nghề có việc làm đã trở thành hộ thu nhập khá…

Tuy nhiên, kết quả dạy nghề ngắn hạn cho người lao động chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc triển khai đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm nên đạt chỉ tiêu thấp so với mục tiêu đề ra (chỉ đạt 2,1% kế hoạch 11 năm). Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố chưa phê duyệt định mức chi phí đào tạo cho từng nghề mà xây dựng định mức chi phí đào tạo theo thời gian đào tạo nghề hoặc phê duyệt chung theo nhóm nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Điểm mới trong quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn

Ngày 17/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng với một số điểm mới như sau:

Bổ sung điều kiện người học được hỗ trợ phải có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng, cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề. Sau khi kết thúc lớp học, để được thanh quyết toán kinh phí đào tạo, cơ sở đào tạo phải có bảng kê danh sách học viên có việc làm sau học nghề có xác nhận của đơn vị tuyển dụng.

Quy định nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, gắn đào tạo nghề với việc làm, góp phần đạt và vượt mục tiêu 80% người sau học nghề có việc làm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung, hoàn thiện quy định về đặt hàng đào tạo. Cụ thể, về đơn giá đặt hàng đào tạo, Thông tư quy định, đối với hợp đồng đặt hàng do Bộ, cơ quan trung ương thực hiện: Đơn giá đặt hàng đào tạo do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc trung ương quy định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính và được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí theo quy định hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương triển khai đào tạo tại các địa phương đã ban hành đơn giá đặt hàng đào tạo thì có thể lựa chọn áp dụng theo đơn giá của địa phương đó.

Đối với hợp đồng đặt hàng do địa phương thực hiện: Đơn giá đặt hàng đào tạo cho từng nghề được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí cấp quốc gia hoặc định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do địa phương ban hành (trong trường hợp chưa có hoặc khi cần cụ thể hóa định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí cấp quốc gia) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với những nghề có đơn giá đặt hàng đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ tối đa, các địa phương, cơ sở đào tạo chủ động sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách địa phương, hỗ trợ của doanh nghiệp và nguồn tài trợ hợp pháp khác để bảo đảm chi phí đào tạo.

Ngoài ra, trường hợp các cơ quan chưa ban hành được định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá đặt hàng, Thông tư hướng dẫn cụ thể các yếu tố chi phí để xây dựng đơn giá bao gồm: Chi tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ; chi mua tài liệu, văn phòng phẩm, giáo trình, học liệu đào tạo; nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động đào tạo; trích khấu hao tài sản cố định phục vụ lớp học; chi cho công tác quản lý lớp học...

Về tạm ứng hợp đồng đặt hàng đào tạo: Để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo có kinh phí triển khai thực hiện hợp đồng đào tạo, Thông tư quy định mức tạm ứng hợp đồng tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó; cao hơn so với mức quy định hiện hành về kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước là 30%. Tạm ứng được chia thành 02 lần: Tạm ứng lần đầu ngay sau khi ký hợp đồng bằng 50% giá trị hợp đồng. Tạm ứng lần hai áp dụng cho các khóa đào tạo từ 03 tháng trở lên khi cơ sở đào tạo đã thực hiện tối thiểu 30% thời gian khóa đào tạo. Mức tạm ứng lần hai theo khối lượng và giá trị thực tế thực hiện, tối đa 30% giá trị hợp đồng.

Thông tư số 152 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/12/2016.

- Nguồn: Mof.gov.vn-