HOME /  / Nghiên cứu - trao đổi / Những điểm mới trong chế độ quản lý tài chính đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Những điểm mới trong chế độ quản lý tài chính đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ

08/07/2015

Ngày 22/4/2015, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/6/2015 và thay thế Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007. Bài viết giới thiệu những điểm mới trong chế độ quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN được quy định trong Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

Dự toán tính tiền công lao động trực tiếp

Tiền công lao động trực tiếp được cụ thể hóa theo các nội dung công việc: (i) Nghiên cứu tổng quan; (ii) Đánh giá thực trạng; (iii) Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; xử lý số liệu, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu; (iv) Nội dung nghiên cứu chuyên môn; (v) Tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm, thực nghiệm, khảo nghiệm, chế tạo, sản xuất; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ; (vi) Đề xuất giải pháp, kiến nghị, sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm, chế phẩm, mô hình, ấn phẩm khoa học và đề xuất khác; (vii) Tổng kết, đánh giá.

Tiền công trực tiếp cho các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN được tính theo ngày công lao động quy đổi (8 giờ/1 ngày; trường hợp có số giờ công lẻ, trên 4 giờ được tính 1 ngày công, dưới 4 giờ được tính 1/2 ngày công) và mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xây dựng dự toán. Trên cơ sở đó, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN có trách nhiệm xây dựng thuyết minh dự toán tiền công chi tiết theo từng chức danh tham gia thực hiện nội dung công việc, số ngày công tham gia của từng chức danh.

Thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài phối hợp nghiên cứu

Đối với thuê chuyên gia trong nước, theo ngày công thì mức dự toán thuê chuyên gia trong nước không quá 40 triệu đồng/người/tháng (22 ngày/1 tháng). Tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia trong nước không quá 30% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp.

Trong trường hợp đặc biệt, nhiệm vụ KH&CN có dự toán thuê chuyên gia trong nước vượt quá 40 triệu đồng/người/tháng hoặc tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia trong nước vượt quá 30% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thì: (i) Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước quyết định phê duyệt và chịu trách nhiệm sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ KH&CN; (ii) Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước quyết định phê duyệt và chịu trách nhiệm.

Đối với thuê chuyên gia nước ngoài, tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia ngoài nước không quá 50% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp. Trong trường hợp đặc biệt, nhiệm vụ KH&CN có tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia ngoài nước vượt quá 50% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thì được quy định theo chuyên gia trong nước.

Dự toán chi hội thảo khoa học, điều tra, khảo sát thu thập số liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu

Nội dung và định mức chi được xây dựng và thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010; Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 và Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011. Ngoài ra, Thông tư liên tịch này quy định mức xây dựng dự toán chi thù lao tối đa tham gia hội thảo khoa học như sau: (i) Người chủ trì: 1.500.000 đồng/buổi hội thảo; (ii) Thư ký hội thảo: 500.000 đồng/buổi hội thảo; (iii) Báo cáo viên trình bày tại hội thảo: 2.000.000 đồng/báo cáo; (iv) Báo cáo khoa học được cơ quan tổ chức hội thảo đặt hàng nhưng không trình bày tại hội thảo: 1.000.000 đồng/báo cáo; (v) Thành viên tham gia hội thảo: 200.000 đồng/thành viên/buổi hội thảo.

Dự toán chi quản lý chung nhiệm vụ KH&CN

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước được dự toán các nội dung chi quản lý chung phục vụ nhiệm vụ KH&CN, bao gồm: Chi điện, nước, các khoản chi hành chính phát sinh liên quan đảm bảo triển khai nhiệm vụ KH&CN tại tổ chức chủ trì; chi tiền lương, tiền công phân bổ đối với các hoạt động gián tiếp trong quá trình quản lý nhiệm vụ KH&CN của tổ chức chủ trì. Dự toán kinh phí quản lý chung nhiệm vụ KH&CN bằng 5% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng.

Định mức chi quản lý nhiệm vụ KH&CN

Định mức chi tiền công của các Hội đồng được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và là định mức tối đa áp dụng cho nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Căn cứ khả năng, nguồn lực, đặc thù, trình độ hoạt động KH&CN của cơ quan, đơn vị, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, ban hành định mức chi tiền công của các Hội đồng của nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở để thực hiện thống nhất trong phạm vi bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đảm bảo không vượt quá định mức đã được quy định. Ngoài ra, đối với định mức xây dựng dự toán chi thuê chuyên gia tư vấn độc lập được tính tối đa bằng 5 lần mức chi tiền công (bao gồm chi tiền công họp Hội đồng và chi nhận xét, đánh giá) của Chủ tịch Hội đồng tương ứng và do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhiệm vụ KH&CN quyết định và chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, dự toán chi công tác kiểm tra, đánh giá giữa kỳ được xây dựng theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí áp dụng cho các cơ quan nhà nước và được áp dụng tối đa bằng 50% mức chi của Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN./

                                                                                      Viện CL&CSTC

                                                                                                (Theo mof.gov.vn)